Kiểm soát cholesterol máu phòng ngừa bệnh tim mạch
Cholesterol là một loại mỡ (lipid) rất quan trọng đối với hoạt động sống của cơ thể, đóng vai trò trung tâm xây dựng màng tế bào, các hormon sinh dục, tái tạo vitamin D và thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu hàm lượng cholesterol trong máu tăng quá mức sẽ tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch, kèm theo đó là bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành với các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột qụy.
Những nguy hiểm nếu cholesterol máu cao
Những người có hàm lượng cholesterol máu cao có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành cao hơn 2-3 lần so với người bình thường-200mg% (mg/100ml) và thấp hơn. Nguyên nhân chủ yếu làm cholesterol trong máu tăng cao là do ăn uống quá nhiều các thức ăn có chứa nhiều chất béo no và cholesterol như: thịt lợn, thịt bò, sữa nguyên kem, bơ, phomát, trứng, dầu dừa, phủ tạng động vật... Ngoài ra, việc không tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, hút thuốc, tuổi tác, di truyền, tình trạng thừa cân cũng là các yếu tố nguy cơ.
Trong cơ thể, ở gan, cholesterol kết hợp với protein tạo ra hai dạng lipoprotein là LDL-lipoprotein có trọng lượng phân tử thấp và HDL-lipoprotein có trọng lượng phân tử cao và được vận chuyển vào dòng máu. HDL mang ít cholesterol nên nó có thể kết hợp với cholesterol tự do trong máu và vận chuyển về gan để xử lý, vì vậy nếu hàm lượng của HDL trong máu càng cao thì càng giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Người có hàm lượng HDL trong máu cao hơn 60mg% là ngưỡng an toàn đối với bệnh tim mạch, thấp hơn 40mg% là có nguy cơ mắc bệnh cao.
LDL chứa nhiều cholesterol và khởi xướng sự hình thành các mảng xơ vữa trên thành các động mạch nói chung và các động mạch vành tim nói riêng. Các mảng xơ vữa này gây chít hẹp hay tắc lòng mạch máu nuôi dưỡng cơ tim, gây ra các cơn đau tim. Hàm lượng LDL càng cao thì nguy cơ mắc bệnh mạch vành càng cao. Người ta phân loại nguy cơ bệnh mạch vành dựa vào hàm lượng LDL trong máu như sau: thấp hơn 100mg% là ngưỡng an toàn đối với bệnh mạch vành, 100-129mg% - giới hạn an toàn, 130-159mg%-nguy cơ, 160-189mg% - nguy cơ cao, lớn hơn 190mg% - nguy cơ rất cao.
Mặc dù hàm lượng LDL và HDL là những chỉ số tin cậy để dự đoán nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhưng xác định hàm lượng cholesterol toàn phần trong máu rất quan trọng. Hàm lượng cholesterol toàn phần trong máu thấp hơn 200mg% thì ít có nguy cơ mắc bệnh mạch vành, 200-239mg% - có nguy cơ trung bình, cao hơn 240mg% - có nguy cơ cao (ở Mỹ, trên 20% dân số có hàm lượng cholesterol toàn phần trong máu vượt quá 240mg%).
Triglicerid là một loại mỡ khác tuần hoàn trong máu. Nếu một người có hàm lượng triglicerid và LDL trong máu cao thì sẽ có nguy cơ tim mạch cao. Giới hạn cho phép của hàm lượng triglicerid là 150-199mg%.
Các biện pháp điều chỉnh hàm lượng cholesterol máu
Về ăn uống:
- Tránh các thức ăn có chứa chất béo và cholesterol như bơ, thịt lợn mỡ xông khói, dầu cọ, dầu dừa; thay bằng dầu thực vật như dầu ôliu, đậu nành, ngô. Hạn chế dùng thực phẩm có chứa vòng trans như bơ thực vật, bim bim, bánh quy, kẹo dẻo...
- Hạn chế ăn các loại thịt, cá xuống còn 150-200g/ngày, ăn không quá 3 quả trứng/tuần và phải ăn cách ngày. Không ăn thịt mỡ, phủ tạng động vật, da của các loại gia cầm, thay thế bằng đạm thực vật như đậu tương..., tăng cường ăn rau quả.
- Tránh các thức ăn nhanh như bánh hamburger, bánh có nhân thịt băm, thịt rán, bánh gatô.
- Uống sữa đã tách bơ, hạn chế ăn phomát, kem.
Về điều chỉnh cân nặng: Nếu bạn bị thừa cân thì phải thực hiện chế độ giảm cân để phòng ngừa bệnh mạch vành bằng việc tăng cường tập luyện thể dục thể thao rèn sức bền và ăn giảm calo. Lợi ích của giảm cân gồm: giảm LDL, tăng HDL, giảm huyết áp, tăng khả năng sử dụng glucoza của các tổ chức mô, phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Giảm cân phải từ từ, khuyến cáo giảm không quá 0,3-0,5kg/tuần. Để đạt được điều này, cần ăn giảm khoảng 250kcal/ngày và tăng cường vận động để đốt cháy 250kcal/ngày (đi bộ 50 - 60 phút/ngày), nghĩa là tổng số giảm 500kcal/ngày.
Về tập luyện thể dục thể thao: Rèn sức bền với các bài tập đi bộ nhanh, chạy, đạp xe... đặc biệt hiệu quả giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành và tăng cholesterol máu. Tập luyện thường xuyên có tác dụng tămg HDL, giảm LDL máu, giảm cân, giảm huyết áp, giảm stress, củng cố xương...
Biện pháp hữu hiệu nhất để giảm hàm lượng LDL, tăng HDL và giảm cholesterol máu toàn phần là thay đổi chế độ ăn (khuyến cáo giảm lượng chất béo sử dụng chung, đặc biệt là giảm lượng chất béo no chứa trong mỡ động vật) và tăng cường tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
Điều chỉnh hành vi: Bỏ hút thuốc, hạn chế rượu bia, kiểm soát stress. Hút thuốc có thể làm giảm lượng HDL tới 15%.
Nếu các biện pháp trên không giúp giảm đáng kể hàm lượng cholesterol máu, thì bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm thuốc (statin) giảm mỡ máu như: lipitor, mevacor... các thuốc này có tác dụng giảm sản xuất cholesterol ở gan. Ở những bệnh nhân có cholesterol máu cao, kết hợp tiểu đường, huyết áp cao, bệnh mạch vành thì việc dùng loại thuốc này là rất cần thiết để phòng ngừa các biến chứng tim mạch.
Tóm lại, cholesterol rất cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên để phòng ngừa bệnh tim mạch, tiểu đường, mỗi người phải biết kiểm soát hàm lượng cholesterol của cơ thể ở mức an toàn bằng việc điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện rèn sức bền thường xuyên và thay đổi một số hành vi.
|