Ba tôi
Ba tôi rất nghiêm khắc cho nên một bầy con 8 đứa chẳng đứa nào thích lân la đến gần. Bây giờ và ngày xưa cũng đều như vậy. Những lúc còn nhỏ mỗi lần ông ra khỏi nhà, cho dù là đi làm, đi tiệc, hay đi công tác xa là anh chị em tôi mừng hết lớn. Xe ông vừa lăn bánh ra khỏi sân nhà là chúng tôi đã thở ra nhẹ nhõm như vừa được thở hít không khí tự do, thỏai mái. Cảm giác này có lâu hay mau là tùy theo thời gian ba tôi vắng nhà dài hay ngắn. Má tôi thì rất dễ dãi, luôn che chở cho đàn con. Đứa nào muốn làm gì cũng được, đi đâu chỉ cần có cái cớ hợp lý là được, miễn sao không gây họa hay bị ai mắng vốn là bà đều không la rầy.Những khi ba tôi vắng nhà, mấy anh chị tôi người thì hẹn hò với bạn bè đi ciné, kẻ thì đi uống café, dạo phố, còn riêng mấy đứa nhỏ như tôi thì tha hồ dạo xóm, lân la với mấy đúa bạn gần nhà để đánh banh, nhảy dây, chơi nhà chòi, và chơi u, chơi ấp . Chúng tôi chỉ cần canh giờ ba sắp về nhà là chạy ùa về trước đó chừng vài phút và trở lại vị trí cũ của một lối sống trật tự và ngăn nắp theo ý của ba tôi.
Cái trật tự và ngăn nắp của ba tôi nghe qua thì rất dễ nhưng làm thì rất khó. Chẳng hạn như giờ ăn cơm trưa thì mọi người đều phải có mặt, giờ ngủ trưa thì tất cả phải đi ngủ, cơm chiều thì lại là một cuộc tập họp trong gia đình và sau đó là giờ học bài, làm bài tập. Tụi tôi lớn nhỏ tụ tập chung trong một phòng học và thỉnh thoảng thì ba tôi liếc mắt vào để điểm danh xem đứa nào vắng mặt. Giờ học bài buổi tối là giờ mà đài “truyền hình” thường có những chương trình hấp dẫn và vui nhộn nhưng chúng tôi đều không được phép chung vui hay thưởng thức. Cũng vì vậy mà mấy đứa tôi không biết gì hết ngòai mấy cuốn sách giáo khoa và những điều học được ở trường. Thỉnh thỏang mấy chị tôi cũng mượn một vài cuốn tiểu thuyết và vào giờ học buổi tối thì lén ba tôi đặt cuốn tiểu thuyết ở giữa cuốn sách học nên bề ngòai nhìn vào thì tưởng chư chị đang siêng năng đọc sách, nhưng thật ra là đang say mê với mấy chuyện Quỳnh Dao hay Hoàng Hải Thủy. Ca sĩ nào nổi tiếng hay bản nhạc nào thịnh hành, chúng tôi đều không biết đến. Chúng tôi chỉ biết “học” và “học”. Nói chuyện với bạn bè thì tụi tôi giống như mấy người trên hành tinh khác rơi xuống vì không biết gì hơn là bài vở ở trường. Ba tôi lại còn thêm một luật lệ nghiêm khắc nữa là sau 9 giờ đêm thì chúng tôi không được phép ra khỏi nhà dù với bất cứ lý do gì. Vì những khuôn phép đó mà tụi tôi luôn so sánh ngôi nhà mình với trại lính và ba tôi là một vị chỉ huy khó tính. Thỉnh thỏang tụi tôi cũng xé rào và trốn trại sau 9 giờ đêm để gặp đám bạn bè mà tán dóc hay la cà hàng quán, chè cháo ban đêm. Nếu có bị bắt gặp hay đổ bễ thì đứa lớn che chở cho đứa nhỏ mà chạy tội, và cứ như vậy chúng tôi không bỏ lỡ một cơ hội nào ba vắng nhà mà không quậy phá…
Vào mùa Hè, những ngày nghỉ mát ở Đà Lạt hay Vũng Tàu của gia đình đối với chúng tôi không có gì thú vị cả. Ngược lại là cả một cực hình. Đứa viện cớ này, đứa viện cớ khác để không phải đi. Mấy anh chị lớn thì có lý do chính đáng hơn vì phải học hè hay phải lo thi này nọ, đám nhỏ như tôi thì đành phải miễn cưỡng sắp xếp quần áo để mà lên đường. Cực chẳng đã phải đi chung nhưng không đi thì không được, đi thì biết chắc là sẽ không được thoải mái như ở nhà. Vừa bắt đầu lên xe thì đã bị rầy, không vì tội đóng cửa xe nặng tay hay nói lớn tiếng ồn ào, thì cũng vì tội này tội khác. Vào tiệm ăn thì lại là một cực hình khác, ngồi thì phải ngay ngắn, tay không được chống lên bàn, ăn uống phải từ tốn, nói tóm lại tư cách đi đứng, nằm ngồi, ăn nói của chúng tôi đều bị quan sát và chỉnh đốn.
Đến một ngày ba tôi không những phải vắng nhà một vài giờ như lúc đi làm, một vài ba buổi hay một vài tuần như khi đi công tác mà vắng nhà hết năm này qua năm khác. Thời gian ba tôi xa nhà dài lắm và anh chi em tôi đã trưởng thành trong sự vắng mặt đó. Lẽ ra thì chúng tôi phải vui và hớn hở vì sự vắng mặt của người trong suốt thời gian dài đó, ngược lại chúng tôi thấy buồn tủi, cô đơn, và trống trải vì nơi nương tựa trụ cột của gia đình không còn nữa. Trại lính của nhà tôi lúc đó không còn người cai quản mà chính anh chị em tôi phải tự canh giữ lấy mình, và chúng tôi đã trưởng thành trong nỗi niềm trống vắng và mất mát đó. Có lẽ những lời ba tôi răn dạy đã ăn quá sâu trong tiềm thức nên tự nhiên mà anh chị em tôi tự khép mình vào khuôn khổ, giữ lấy nề nếp của gia đình và uốn nắn chính mình nên người. Má tôi vì sức khỏe yếu kém, một mình nuôi bầy con 8 đứa, nên người cũng buông thả mặc cho anh chi em chúng tôi bương chãi với cuộc sống đầy gay go đó. Mười chín năm sau cha con gặp lại nhau, ba tôi đã già đi nhiều, cái dáng thanh xuân khỏe mạnh với ánh mắt quắc thước nghiêm trang một thời, nay thay vào là chiếc lưng còng mệt mỏi, tóc bạc trắng lưa thưa và ánh mắt cũng mờ theo năm tháng. Tuy vậy, nơi ông cũng vẫn toát ra một sự nghiêm khắc nhưng tương đối nhẹ nhàng, nhiều cảm thông hơn, và nhất là tính tình không còn cứng rắn như xưa. Dù vậy, anh chị tôi vẫn còn kính nể ông như ngày nào. Có chuyện đại sự, đứa này đẩy đứa kia đại diện lên tiếng dù rằng tụi tôi năm nay đứa nào cũng xấp xỉ hay là đã vào lứa tuổi 50.
Riêng bản thân mình, tôi luôn ráng dành hết những ngày tháng rảnh rổi để chia xẻ với ba tôi về nhũng kỷ niệm của gia đình, và nghe ba kể những câu chuyện xưa cũ mà tôi biết rằng sau này sẽ không có ai kể cho tôi nghe nữa. Cũng nhờ những buổi hàn huyên tâm sự với ba mà tôi đã hiểu thêm về người. Ba tôi tuy bề ngòai lạnh lùng cô độc nhưng bên trong là cả một tâm hồn trìu mến và con tim dạt dào tình cảm cho con cái và gia đình. Ba tôi suốt một đời làm lụng cực khổ cũng vì anh chị em chúng tôi. Hết lo lắng cho chúng tôi có được mái nhà cao cửa rộng, món ăn ngon, quần áo đẹp, sách vở tốt đầy đủ hơn người, lại lo đến rèn luyện chúng tôi nên người. Cũng vì thế mà người không có thời giờ để gần gũi với con cái. Vì không gần gũi vơi ba, nên chúng tôi không biết nhiều về gia đình bên nội. Những gì chúng tôi biết về bên nội đều do má kể lại. Từ nhỏ, tôi vẫn tưởng quê nội và ngọai đều ở trong Nam. Nhưng mới đây tôi mới rằng quê nội tôi ở tận ngòai miền Trung xa tít. Tôi cũng có cô, chú, và bác ở ngoài đó. Một quê hương mà đối với tôi lúc trước là vô cùng xa lạ và nghèo nàn với một giọng nói lợ lợ mà anh chị em tôi vẫn luôn thầm cười và trêu chọc. Bây giờ tất cả trở nên thật gần gũi và cái giọng nói lợ lợ ấy hóa ra dễ thương. Cũng vì vậy, tôi ráng moi móc hết trong đầu mình những điều thắc mắc ấm ức khi còn nhỏ để hỏi ba và mong được nghe hết những lời tâm sự của người. Người già vẫn thích nói chuyên xưa, vì vậy ba tôi rất thích những lúc tôi ngồi xuống thăm hỏi hay thưa chuyện với ông. Một đôi khi vì bận công việc của gia đình nhỏ của mình nên tôi không đến thăm người vào thường lệ cuối tuần, ba tôi lại gọi điện thọai để hỏi xem tôi có vấn đề gì không. Mỗi lần kể xong câu chuyện gì vui là ba tôi cười sảng khoái như đã cởi mở hết những gút mắc hay những tâm sự chất chứa trong lòng người mấy chục năm qua. Thỉnh thỏang ông hỏi tôi có điều gì thắc mắc hay muốn hỏi thêm gì về lai lịch của mình nữa không. Cũng từ những buổi trò chuyện ấy mà tình phụ tử trở nên thân thiết hơn. Tôi cũng không ngần ngại chia xẻ với ba tôi những điều tôi suy nghĩ khi còn nhỏ và những điều suy nghĩ bây giờ về ba. Hai cha con chúng tôi luôn cười xòa vui vẻ, và như vậy mà ánh mắt của ba trở nên bao dung rông lượng hơn. Mấy anh chị và em tôi vẫn đúng xa xa để mà bày tỏ tình thương và cảm mến của mỗi người đối với ông. Có lẽ vì thấy tôi dám gần với ba tôi nhiều hơn nên có việc gì quan trọng, anh chị tôi đều đẩy tôi đến thưa chuyện với ba. Bây giờ nếu có quan điểm bất đồng với ba, tôi đã không còn ngần ngại bày tỏ suy nghĩ của mình. Ngược lại, ba tôi cũng cởi mở hơn để lắng nghe chúng tôi.
Năm tháng qua mau, thời gian vô tình, mỗi ngày chúng con có được Ba bên cõi đời này là một ngày chúng con còn có cái diễm phúc “còn cha”. Xin cám ơn Trời Phật đã che chở và ban hạnh phúc cho gia đình anh chi em tôi.
Kim Ngọc 06/2008