Buổi Học Tháng Tư

Vào những ngày cuối tháng Tư năm đó, lớp học nào cũng uể oải, học trò đến lớp thì không thuộc bài, bài tập làm ở nhà thì nửa có , nửa không , ngay cả đến kỳ thi Lục Cá Nguyệt cũng không buồn chuẩn bị. Thầy Cô thì gương mặt đầy những khắc khoải, âu lo, đang trông chờ một việc gì quan trọng sắp đến.

Những ngày tháng đó gia đình tôi thường xôn xao theo biến động thời cuộc. Những đứa trẻ chúng tôi (gọi là trẻ vì ở tuổi 16, 17 vẫn còn bị cha mẹ cho là “ăn chưa no, lo chưa tới) cũng bị ảnh hưởng với những chuẩn bị cho một cuộc ra đi …

Dĩ nhiên là việc học hành bị ảnh hưởng và lơ là vì nó không còn quan trọng trong anh mắt mọi người. Một học sinh gương mẫu, bài tập thường chuẩn bị chu đáo, luôn thuộc bài trước khi đến trường, vậy mà dạo ấy, tôi đến trường với đầu óc trống rỗng, đôi khi chẳng có chữ nào trong trí.

Ngày ấy ở trường thỉnh thoảng có Thầy Cô trẻ mới ra trường đến thực tập. Tôi có thói quen thích ngồi dẩy bàn đầu, cứ như thế từ lớp 1 cho đến lớp 12 tôi luôn ngồi ở bàn đầu cạnh cửa ra vào như là “Thần gác cửa lớp”.

Hôm đó sau giờ ra chơi là giờ Toán của Thầy Xuân, theo lịch trình sẽ có bài kiểm. Tôi nửa lo vì không thuộc bài, nửa hững hờ vì nghĩ kết qủa có xấu thì vài tuần nữa mình đã đi rồi. Bất ngờ Thầy Giám Thị đến thông báo có một “thầy” đến đứng lớp thực tập Toán. Tôi hí hững, mỡ cờ trong bụng, vui mừng được thoát nạn, trút được gánh lo không phải đối diện với Thầy Xuân khi không thuộc bài.

Bước vào lớp sau màn giới thiệu tên và thăm hỏi mấy em học sinh, thầy “trẻ” cho biết chúng tôi vẫn có bài kiểm Tóan theo lịch trình của Thầy Xuân đã định. Tuyên bố xong “thầy” quay sang đưa cho tôi (con nhỏ ngồi đầu bàn kia mà) miếng móp chùi bảng, nhờ tôi đi nhúng nước.

Lớp học ở dẩy mới xây ở trường tôi, lớp nào cũng có hai cửa ra vào. Tôi cầm lấy miếng móp thầy đưa, mà trong bụng rầu rầu. Tôi tà tà đi từ dẩy bàn đầu xuống dẩy cuối lớp vòng ra cửa sau và tôi đi luôn không trở lại.

Buổi trưa hôm đó tôi cầm miếng móp đi thẳng đến nhà bà Tư gát dan, thay vì vào phòng vệ sinh giặt miếng móp lau bảng. Vợ chồng bà Tư là nhân viên trực thuộc nhà trường nên nhà ở trong khuôn viên trường. Cửa sau nhà thì thông với sân trường, cửa trước nhà thông ra đường Phan Đình Phùng (phía cổng trước trường). Chúng tôi khi nào trể học đều đi vào trường bằng ngả nầy rồi lên lớp học mà không sợ Thầy Cô Giám Thị bắt găp.

Có những lần cúp "cua" chúng tôi thường dùng lối nầy ra khỏi trường đi chơi. Bà Tư là nhân viên lâu năm ở trường nên chắc bà thông cảm với những đứa học trò qủy quái tụi tôi. Bà có hàng bán cóc, ổi, da ua, kem và nhiều món ăn hàng rất quyến rũ làm đám học trò tụi tôi quên cả đường đi lối về.

Tôi đến nhà bà Tư rồi rất tự nhiên leo lên chiếc võng giửa nhà,nằm đong đưa vắt vẻo, đọc truyện, thoải mái nhâm nhi cóc ổi. Bà Tư có lẽ qúa quen thuộc với cảnh nầy, nên chẳng buồn hỏi vì sao tôi trốn học hôm đó.

Đọc truyện ăn hàng quên cả giờ giấc, nghe tiếng chuông reo báo hiệu đến giờ tan trường, tôi vội vã chạy đến lớp học lấy chiếc cặp táp còn trong lớp học. Trước khi ra khỏi cửa nhà bà Tư, miệng thì hối hả hẹn bà Tư sẽ trở lại trả tiền món nợ cóc ổi, tay thì vói lấy miếng móp chùi bảng bị quăng bỏ dưới đất.

Tôi vội vã chạy lên cầu thang sợ lớp học đóng cửa. Tôi không thể về nhà mà không có chiếc cặp táp. Hấp tấp chẳng kịp nhìn trước, nhìn sau, lên hết cầu thang quẹo ra hành lang đụng đầu ngay ông "thầy trẻ" vừa trong lớp bước ra.

Gặp thầy, tôi không biết nói sao (ngượng ngùng khi bị bắt qủa tang tại chổ), tôi vội chìa miếng móp ra cho thầy và nói "em nhún nước rồi đây thầy ạ!" Thầy "trẻ" nhìn tôi không nói mà chỉ lắc đầu cười cười rồi bước đi. Cả đám bạn đổ xô lại hỏi tôi làm cái gì mà dzọt đi luôn như thế. Tôi vẫn nhớ, nhỏ Hường ngồi ở dẩy giửa của lớp, nhìn tôi nó cười cười nói "con nhỏ nầy bây giờ cũng dám cúp cua trốn học, làm kiểu nầy tao sợ mầy luôn"

Tôi ngoài mặt vẫn cười nhưng trong lòng nơm nớp lo sợ thầy "trẻ" méc lại với Thầy Xuân, tôi sẽ có một màn bị Thầy mắng cho, không chừng bị hạnh kiểm xấu nữa là khác.

Sợ hay không thì không ai biết, có méc hay không cũng không biết, nhưng đó là buổi học cuối ở trường Tự Đức, sau đó ba tôi không cho đứa nào đến trường, chúng tôi đều phải ở nhà chuẩn bị, chờ đợi cho một chuyến đi xa rời đất nước ....

Sau bao nhiêu năm tháng thăng trầm, giờ ngồi đây nhớ lại , lòng tôi bổng thấy vui vui và bật cười với những cái ngộ nghĩnh, táo bạo và ngu ngơ của tuổi học trò. Thầy Cô tôi bây giờ tóc đã bạc, nếu có biết được đám học trò ngày xưa quậy phá như thế nào, chắc cũng mỉm cười tha thứ "đám nhỏ bây giờ tóc cũng bạc theo thời gian" .....

Trường Hải 2012