Câu Chuyện Người Con
Mẹ đã gầy đi rất nhiều sau hai lần giải phẫu ung thư đường ruột nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ khi mở cửa đón tôi đến thăm từ Dallas. Tôi ôm chầm lấy Mẹ, lo lắng hỏi thăm sức khỏe của Mẹ sau hai lần giải phẫu và ba tháng trị liệu bằng quang tuyến.
Mẹ nhìn tôi trấn an với ánh mắt nghị lực:
“Sinh, Lão, Bệnh, Tử là luật tuần hòan tự nhiên của đời người, mẹ chỉ mong rằng những ngày cuối của mẹ không bị quá đau đớn. Đó là cái nợ thể xác của con người mà mẹ phải trả trước khi về gặp lại Bố.”
Tôi nắm tay dìu Mẹ đến ngồi trên ghế sofa, vỗ nhẹ lên bàn tay gầy guộc của Mẹ, tôi nói:
“Mẹ à, mọi việc sẽ tốt đẹp thôi. Không phải bác sĩ đã nói dấu hiệu ung thư của mẹ ngưng lại rồi sao?”
Mẹ trả lời:
“Nhưng nó sẽ trở lại bất cứ lúc nào.”
“Mẹ đừng suy nghĩ nhiều nữa. Vui vẻ luôn là liều thuốc hữu hiệu nhất.” Tôi vừa nói vừa lấy trong ví ra những tấm hình vui nhộn của con gái để khoe với Mẹ và đồng thời lãng đi chuyện bệnh tình của Mẹ.
Tôi giúp Mẹ nấu bữa cơm cúng Bố. Món cá kho tộ và canh cải xanh nấu với cá rô là hai món mà Bố tôi thích nhất. Bày cơm và thức ăn ra bàn, thắp nén hương, tôi chắp tay đứng nhìn tấm hình của Bố qua làn hương trầm đang tỏa, gương mặt với nụ cười mỉm chi của Bố như sống động hẳn lên. Tôi bật nói:
“Con xin lỗi bố”.
Niềm ân hận một lần nữa tràn ngập trong lòng tôi. Tôi ray rức với ý nghĩ chưa thực hiện cho Bố điều mong ước trước khi Bố không còn nữa. Tôi tự trách mình là đã quá do dự. Nhưng biết làm sao đưa Bố-Mẹ về Việt Nam khi con gái của tôi mới có một tuổi, đứa con gái sanh non cần tôi chăm sóc. Nước mắt tôi ứa ra không biết do khói hương hay niềm ân hận. Tôi đứng lặng yên bên ban thờ, nén hương tàn dần, tàn dần….
Trận mưa lớn trút xuống thành phố Washington DC và Arlington. Trận mưa làm dịu cái nóng ẩm mùa Hè cuối tháng 7. Công viên xung quanh khu hưu trí cho người già ở Arlington, nơi mẹ tôi đang cư ngụ, cây cối bông hoa đủ màu sắc của mùa Hè như rực rỡ hơn sau trận mưa. Tôi khoác tay Mẹ đi dạo trong công viên từng bước thật chậm. Cơn gió thoảng nhẹ nhàng nghe câu chuyện kể về thời niên thiếu của Mẹ. Chuyện Mẹ gặp Bố, chuyện bên Ngoại bên Nội. Chuyện chiến tranh, chạy lọan…. Chuyện tôi đã được nghe rất nhiều lần và cũng đã nhiều lần tôi mất kiên nhẫn cắt ngang câu chuyện kể của Mẹ. Lần này tôi lắng yên nghe, Mẹ như sống lại với quá khứ. Ở tuổi 84, giọng Mẹ vẫn rõ ràng tuy sức khỏe đã yếu đi nhiều vì bệnh.
Câu chuyện của năm tháng sống trong chiến tranh, chân đi chân đất, gánh đôi thúng, thúng trước là chị cả của tôi bốn tuổi, thúng sau là anh tôi hai tuổi. Mẹ gánh như vậy chạy băng cánh đồng tránh bom đạn để tản cư từ Hà Nội lên Hải Phòng. Rồi nạn đói đến, mỗi sáng mở cửa, Mẹ đều nhìn thấy xác người chết đói bên lề đường. Gầy dựng sự nghiệp từ tay trắng, rồi trắng tay qua nhiều lần chạy loạn. Nghe Mẹ kể mà tôi cảm thấy thẹn vì cái mệt nhọc nuôi một đứa con của tôi. Sự mệt nhọc của tôi chỉ là hạt cát so với những vất vả khổ cực mà Bố-Mẹ đã trải qua để nuôi lớn, dạy dỗ, và che chở cho tám anh chị em chúng tôi.
Rồi câu chuyện của những ngày tháng yên bình nơi quê nhà. Con đê cây đa đầu làng. Vân Đình, Hà Đông, Kiến An, Hải Phòng, Hà Nội băm sáu phố phường, và Saigòn….. những nơi Mẹ sống và đi qua. Mẹ nhớ nhớ quên quên, hình như kỷ niệm làm Mẹ mỉm cười vui sướng.
Tôi nắm tay Mẹ và hỏi:
“Mẹ có muốn về lại Viêt Nam không? Con sẽ đưa mẹ thăm lại Hà Nội và phố phường xưa.”
“Không, chân mẹ yếu lắm, mẹ không thể đi được. Nhất là không còn bố, mẹ không muốn đi đâu nữa.”
Lòng tôi se thắt lại. Thời gian quả khắc nghiệt. Tôi đang đối diện với sự thật không thể nào tránh khỏi.
Chiều đang buông. Nắng chiều hắt nhẹ lên chúng tôi như chia xẻ tâm tư riêng của mỗi người. Tôi nói:
“Trời sắp tối, con đưa mẹ đi ăn nhé. Mẹ muốn ăn ở nhà hàng nào?”
Tôi gọi taxi đưa mẹ đến nhà hàng Little Saigòn mà mẹ thích.
“Mẹ muốn ăn món gì?” , tôi hỏi.
“Gọi cho mẹ món Bún Măng Vịt”, Mẹ nói.
Tôi giựt mình nhìn Mẹ:
“Bác sĩ có cho mẹ ăn không cần kiêng cữ không? Món vịt và măng không tốt cho người bệnh. Con nghĩ vậy”.
Mẹ khăng khăng:
“Không sao! Mẹ ăn được mà. Bác sĩ nói mẹ có thể ăn lại bình thường rồi. Con đừng lo. Lâu rồi mẹ không ăn món này. Mẹ thèm măng khô và vịt chấm nước mắm gừng.”
Nhìn Mẹ ăn món bún măng vịt rất ngon miệng, tôi tự hỏi và lo. Không biết có nên ngăn Mẹ ăn món này không hay cứ để Mẹ vui với điều Mẹ thích? Tôi mượn cái kéo của nhà hàng cắt nhỏ miếng thịt vịt và măng, cầu nguyện đừng có điều gì bất trắc xảy ra cho Mẹ. Trên đường về, Mẹ rất vui:
“Hôm nay mẹ ăn ngon miệng lắm! Mẹ rất vui nhìn thấy con đến thăm mẹ.”
Hai mẹ con từng bước chầm chậm tiến vào cửa khu nhà hưu trí cho người già. Trời đã tối. Đêm tại đây thật tĩnh mịch.
Tôi lang thang dọc theo bờ sông Potomac ở Washington DC. Tôi cảm thấy thật dễ chịu khi nhìn dòng sông thanh thản trôi. Có phải cuộc sống sẽ rất hạnh phúc khi suy nghĩ của mình đơn giản hơn? Ngày mai tôi về lại Dallas. Cuộc sống vẫn tiếp tục trôi xuôi như dòng sông Potomac kia. Liệu tôi vẫn còn đem đến cho Mẹ niềm vui giản dị như tô bún măng vịt chiều nay.
Tôi đền đáp gì cho cha mẹ
Nén hương, cơm cúng khi người khuất
Tỏ hiếu hay hình thức dân gian
Tỏ thương nhớ khi người không còn
Để ân hận đến sau mất mát
Sao không báo đáp điều có thể
Làm hôm nay đừng chờ ngày mai.
Thùy Nhiên – Vu Lan Mậu Tý – 08/2008