Con Chim Qúy

Em tôi còn nhỏ, bố thì thường đi công tác xa nhà. Tôi tự đi học một mình từ năm lớp một. Sáng sớm thường đi bộ tới trường khi trời còn tờ mờ sáng để đặc số sút sắc, mua khô bò ăn với bánh mì nóng hổi mới ra lò ở ngõ hẻm kế bên trường. Kế bên nhà có một con nhỏ tên Đông, lớn hơn tôi có vài chục ngày thôi nhưng lúc nào cũng muốn làm chị hai cả. Đông học ở trường nữ tiểu học còn tôi học ở trường nam. Trường tôi và trường của Đông chỉ cách nhau một con đường. Đông và tôi là hai thái cực. Đứa thì ham đi học chớ không ham học, hay phá làng phá xóm. Đứa thì rất ham học và học rất giỏi, tánh tình điềm đạm.

Tuy thích làm chị hai nhưng Đông sợ ma lắm, sáng nào cũng ráng dậy sớm để đi học chung cho đỡ sợ ma. Tới trường là tôi nhào vô mấy sòng sút sắc đỏ đen với hy vọng kiếm chác thêm vài cuốn truyện bằng tranh cho bộ sưu tầm truyện bằng tranh. Trong khi đó thì cô bạn hàng xóm, ngồi ôn bài dưới ánh đèn đuờng. Nhờ mỗi sáng đến trường sớm nên cô nàng học giỏi lắm. Mẹ tôi thương Đông, bà thường hay lấy Đông ra làm gương mỗi khi tôi học hành biếng nhác. Tôi thường nói với mẹ, nếu không có con còn lâu Đông mới học giỏi như vậy, mỗi khi nghe nói như vậy là mẹ lại la. Bà nói, tôi nói trạng không sợ thụt lưỡi hay sao? Nghe mẹ nói vậy tức lắm nhưng không dám cãi, sợ lộ ra chuyện lấy tiền ăn sáng để đặt sút sắc.

Con nhỏ bạn hàng xóm sáng thì sợ ma, trưa đi học về thì sợ chó và sợ mấy đứa xóm bên chặn đường chọc ghẹo, cho nên lúc nào nó cũng là cái đuôi của tôi. Tôi đây bực mình lắm nhưng không dám cắt bỏ cái đuôi nầy, phần thì sợ mẹ la là không tốt với người láng giềng, phần thì hay mượn tiền nó ăn sáng khi thua sút sắc.

Trời sanh cái tánh thích lang thang, mỗi trưa tan học thường đi nhấn chuông nhà người chọc cho chó sủa rồi chạy, không chọc chó thì cũng lấy dép chọi lên cây me để kiếm vài trái me dốt gặm chơi đỡ buồn, hết chọi me rồi lại đi bẻ khế, hái nho ở những căn biệt thự trên đường đi học về.

Cái đuôi của tôi có bổn phận giữ tập, mỗi khi tôi hái nho hay bẻ khế nhà người. Tánh tôi đây rất tốt bụng mỗi lần thu hoạch được hoa qủa lúc nào cũng chia phần cho cái đuôi của mình cả, mặc dầu là hơi ít hơn mình một chút.

Khó nhọc lắm mới kiếm được những đồ ăn tẩm bổ, cô láng giềng không một lời cám ơn mà còn thường lên giọng chị hai khuyên đừng nên bẻ khế, hái nho nhà người nữa. Tức lắm mà không dám nói lại, sợ nàng về cáo với mẹ là tôi no đòn.

Có lần nỗi sùng lên tôi bảo người ấy từ nay trở đi đừng đi theo đuôi nữa. Thấy tôi nỗi giận, cô nàng rươm rướm nước mắt và bảo là chỉ muốn tốt cho tôi thôi. Trời ơi, người ta tốt bụng như vậy mà tôi chẳng cám ơn mà còn bảo là không cần, nếu tất cã mọi người đều giỏi, đều tốt và làm đều quan cả thì lấy ai làm lính. Nói xong, thằng tôi hầm hầm bỏ đi về trước mặc kệ cho cái đuôi của mình lẻo đẻo theo sau.

Tôi sanh ra đời nhằm ngôi sao xấu. Những người chưa từng quen biết, thường cho rằng tôi có cái mặt cô hồn, ngó không có cảm tình chút nào. Mấy thằng đồng trang lứa, ở xóm bên kia đầu cầu cũng nghĩ như vậy, trưa nào tụi nó cũng chặn đường chọc ghẹo và rủ đánh lộn tay đôi.

Đánh lộn thì chả ngán chút nào cả, là con cưng của bố mẹ, cưng thì cho roi cho vọt bởi vậy tôi bị đòn hoài nên chịu đau giỏi lắm. Có lần tụi nó chơi ăn gian, bốn năm đứa xúm lại đánh một mình tôi. Mãnh hổ nan địch quần hồ cho nên bị đánh no đòn luôn, lúc bị người ta đánh thì cái đuôi của tôi khóc bù lu bù loa làm mấy người đi đường dòm qúa, mấy thằng xóm bên sợ qúa chạy mất tiêu.

Bị người đánh đau, lại nghe tiếng khóc tức tưởi, bực mình mới la cô nàng. Nếu sợ thì chạy về trước đi, ở đó mà khóc la làm người ta quẫn trí. Sụt sùi người ấy nói, người ấy đâu có sợ chẳng qua thấy tôi bị đánh đau nên người ấy mới khóc. Nghe người ta nói trong dạ cũng nao nao, nhưng chợt nhớ lại mình thân nam nhi vai 5 thước rộng thân 10 thước cao mà để con gái thương hại coi sao được,thằng tôi bèn làm mặt nghiêm nói với người ấy. Nếu sợ tôi đau, sau lại đi cáo với mẹ là tôi trốn học đi bắt cá Lia Thia để tôi bị mẹ đánh đòn chớ.

Cô bạn cuối đầu nhỏ nhẹ trả lời “Đông sợ bạn nghĩ học hoài rồi thi rớt đệ thất không đi học chung với Đông nữa, mấy đứa xóm bên sẻ ăn hiếp Đông.” Ý trời đất ơi, thì ra người ta tốt với mình chẳng qua là muốn có người hộ vệ không công mà thôi. Ức qúa bèn bảo người ấy “Đừng hòng, tui sẻ đi học trường khác, tụi mình chẳng bao gìơ đi học chung đuờng đâu.”

Cái miệng ăn mắm ăn muối cho nên thần linh chứng giám cho câu nói đó. Năm ấy tôi học cũng khá lắm chứ, vậy mà cái bãng vàng đệ thất chẳng có tên. Trong khi đó tên cô láng giềng nằm chình ình trước cổng trường trung học. Ngày thông báo kết qủa kỳ thi mọi người tranh nhau đi coi kết qủa. Riêng phần tôi thì bận đi bắt cá đá Lia Thia với mấy thằng bạn cùng xóm.

Trưa hôm đó đi về gần tới nhà, thấy cái đuôi của mình đã đứng chờ ở đâù đường và báo cho hay tin dữ là mình đã trượt vỏ chuối. Tôi liền hỏi ngay bố mẹ tôi hay chưa? Cô nàng bảo, cô nàng nói láo với mẹ tôi là tôi thi đậu. Thì ra người ấy thấy bố tôi ở nhà nên ra ơn mưa móc nói láo giùm, chờ khi nào bố xuống tàu đi hành quân thì nói thiệt với mẹ, cho tôi được nhẹ đòn. Cô láng giềng cũng gian lắm chứ, vậy mà mẹ tôi xưa nay cứ khen người ta thật thà.

Rồi từ đấy chúng tôi không còn đi học chung đuờng nữa. Nhưng nhà nàng vẫn ở cạnh nhà tôi. Tôi được cái may mắn hơn nhà thơ Nguyễn Bính là hai nhà chẳng cách nhau cái dậu Mồng Tơi và chúng tôi chẳng có nỗi buồn như nhau. Những năm trung học là những năm vàng son, tôi không chọc ghẹo làm người khác buồn thì thôi chớ có đâu mà tôi buồn.

Thời gian trôi qua chúng tôi càng lớn càng cách biệt. Càng lớn thì cô láng giềng càng nghiêm túc, lúc nào gương mặt cũng đăm chiêu băng gía và chẳng mấy khi có được nụ cười của tuổi thơ, ngược lại lúc nào tôi cũng thích vui đùa hồn nhiên. Lâu lâu nhắc lại chuyện hái nho, bẻ khế là cô nàng làm mặt nghiêm và trách tôi là lớn rồi mà chẳng nghiêm chỉnh. Ngày ấy tôi gọi nàng là người đẹp đông lạnh.

Đất nước thay đổi rất lớn vào năm 1975. Bạn bè một số xuất ngọai đi xứ ngoài, một số theo gia đình về quê hay đi Kinh Tế Mới. Những thằng còn lại ở Sài Gòn thì luôn lo sợ và nghi nghờ. Tôi cũng thay đổi rất nhiều, trở nên trầm lặng và ưu tư nhiều hơn. Cái tính bất cần đời vô ưu tư của tôi cũng xuất ngoại đi ngoại quốc mất tiêu. Mẹ tôi chẳng còn được buôn bán nữa, gia đình gia nhập hợp tác xã chăn nuôi gia súc, tăng gia sản xuất cho đúng với câu Lao Động là Vinh Quang, Lang Thang là Chết Đói.

Cô bạn láng giềng nhờ gia đình không dính dấp với chánh quyền cũ, tánh thì lúc nào cũng nghiêm túc và chững chạc trong mọi hoàng cảnh, cộng thêm cái nhan sắc dể nhìn nên được các anh chủ tịch phường, khóm săn đón dữ lắm. Nhờ vậy mà cô nàng lãnh được cái chức thư ký hợp tác xã chăn nuôi luơng tháng 8 đồng cộng thêm 21 kg gạo và nhu yếu phẩm đường sữa. Là thư ký hợp tác xả nên cô nàng thường hay ghé ngang nhà tôi để kiểm tra tiêu chuẩn chăn nuôi của xã viên. Nhờ có lương bỗng bồi dưỡng, đầu tháng cô thường ghé gởi tặng mẹ tôi khi thì lon sữa, lúc thì gói đường để trả lại cái ân tình mẹ tôi thường giúp mẹ cô ấy ngày xưa.

Năm đó là năm học cuối cùng của chúng tôi ở bậc trung học, thật tình mà nói tôi chẳng còn tâm trí gì để học hành cả. Ngày ngày đi đến trường chẳng qua là để tránh mang tiếng là thành phần bất hão của xã hội. Đi học mà chẳng mấy khi học bài hay làm bài tập ở nhà. Còn hai tháng nữa là tới ngày thi tốt nghiệp mà trong đầu chẳng có chữ nào cả.

Hôm đi công tác lao động đào kinh thủy lợi về thì gặp ngay cô thư ký hợp tác xã đang sang nhà thăm mẹ. Sau khi chào hỏi xong là cô nàng lên giọng chị hai trách là tôi chẳng lo học hành gì thì làm sau thi tốt nghiệp. Đang đi làm về mệt mà còn bị người ta lên mặt dạy đời, giận qúa nên cự lại. Cô đâu phải là cô giáo của tôi đâu mà biết là tôi không học bài. Trời ơi người ấy đâu có hiền lành gì, người ta tới nhà chơi, chưa được phép mà dám giỡ tập tôi ra để kiểm tra. Tôi cao giọng nói ai cho phép mà mở tập tôi ra xem. Mẹ nghe chúng tôi gây nhau bà bèn bước ra từ nhà sau và phán rằng mẹ cho phép nó coi tập con có được không? Tôi đây không ngán trời sợ đất, nhưng rất sợ mẹ. Nói ra thì cũng đúng thôi, bố còn nể mẹ huống gì tôi là con.

Thấy mẹ mình theo phe người ta, tôi đây nỗi cơn chướng đời lên, bảo với người ấy. Chỉ có một cuốn sách mỏng sinh vật học thuyết Tiến Hóa cộng thêm đôi ba bài Toán Lý Hóa có gì khó đâu, tại tôi chưa muốn học thôi, chỉ cần vài hôm là học xong ngay. Được cơ hội cô nàng hỏi tôi có chắc không? hay chỉ là nói trạng. Kiếp trước không biết mình có thù oán gì với người nầy không, mà người ta cứ dồn mình vào đường cùng.

Tức mình tôi cá với cô láng giềng, nếu tôi thi đậu thì người ta phải từ bỏ cái chức thư ký hợp tác xả, còn nếu tôi thi rớt thì từ đó trở đi phải luôn gọi người ta là chị.

Thi tốt nghiệp xong được vài tuần thì tôi và mấy thằng bạn cùng xóm rủ nhau bỏ phố lên rừng ở ẩn. Nói đúng ra không lên rừng cũng không được, phần thì ở nhà ăn báo mẹ cha, phần thì cô thư ký hợp tác xả cứ ghé nhà thăm mẹ hoài. Các anh công an phường đội cứ nghi nghờ là tôi có lời ngon nghọt cám dỗ cô thư ký, bởi vậy cứ đôi ba ngày là bị gọi lên phường để hoc tập đạo đức cách mạng. Đúng là họa vô đơn chí, thằng tôi giận qúa nên gia nhập Thanh Niên Xung Phong và đi ở ẩn trên xả Long Hòa huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương.

Hơn một năm sau được phép thường niên về thăm nhà, bước vào nhà thấy trên bàn có đôi gói trà Lạng Sơn quấn giấy đỏ và đôi phong bánh in Trung Quốc. Ngạc nhiên hỏi mẹ bộ nhà mình có đám giỗ hay cúng vái gì mà mẹ lại mua trà bánh. Cô em gái mau mau cướp lời mẹ, đây là trà bánh đám hỏi của chị Đông gởi biếu gia đình mình. Nghe câu nói ấy trong ruột tôi quặn đau như muôn ngàn mủi kim châm. Buồn buồn tôi hỏi mẹ, cô thư ký nhà mình kỳ nầy lên chức gì? Bà phường đội trưởng hay bà chủ tịch hợp tác xả?

Tôi lên rừng ở ẩn được một vài tháng, cô láng giềng cũng từ chức thư ký hợp tác xả chăn nuôi, sau khi được tin tôi thi đậu tốt nghiệp phổ thông. Từ chức thư ký xong cô nàng đi may gia công cho nhà nước.

Ngày đó giận nên nói càn, tôi nghĩ người ta dể gì từ bỏ việc làm qúa tốt ở cái thời gạo châu củi quế. Còn phần tôi mà thua cá thì dễ gì chịu gọi người ta là chị, tôi đây hơi phong kiến 1 chút, cô nào lớn hơn tôi chưa qúa một tuổi đều phải gọi tôi là anh.

Cô em gái cáo với tôi rằng, cô bạn ngày xưa nay được một anh chàng Việt Nam có quốc tịch Tây hỏi cưới, hai người sẻ làm hôn thú để đi France và sẻ làm đám cưới bên đó.

Những ngày ở trên rừng lúc rãnh rổi tôi thường hay đi hái dây Hà Thủ Ô về sao thủy thổ, để dành đem về làm qùa cho mẹ. Chiều hôm ấy soạn ba lô lấy những gói Hà Thủ Ô khô để mẹ nâú nước uống cho tóc được đen. Mẹ tôi lấy một gói Hà Thủ Ô bảo đem qua tặng mẹ người láng giềng.

Cầm gói Hà Thủ Ô bước sang nhà người, mặc dầu hai nhà chẳng cách nhau cái dậu Mồng Tơi hay bức tường vôi nào cả mà lòng tôi cũng thấy xa xôi diệu vợi.

Gặp lại tôi, thím năm mẹ nàng mừng lắm, mau mau gọi người ấy ra chào. Chúng tôi ngồi tâm sự với nhau những buồn vui sau hơn một năm xa cách. Cô bạn trách tôi ra đi không lời từ giã, làm mọi người luôn lo lắng không biết tôi nỗi trôi ra sau. Tôi đây nữa giởn nữa thiệt bảo người ấy, năm xưa biết chắc là mình sẽ thi đậu, nếu còn ở nhà thì người ấy phải từ chức thư ký hợp tác xả. Chừng đó anh công an phường đội dám đem tôi ra xử bắn chớ không phải chơi đâu.

Cô ấy lườm và trách tôi chẳng có lúc nào nghiêm chỉnh và đứng đắn cả. Tôi hỏi còn Đông thì sao? Chẳng mấy khi thấy Đông có được những nụ cười vui tươi và hồn nhiên. Buồn buồn cô ấy bảo, có lẻ đó là cái tánh ông trời đã an bài. Ngày xưa còn bé, cô ấy đôi khi rất muốn được như tôi vô tư lự, cười đùa rong chơi đây đó. Tôi bảo như vậy không tốt sao? Mọi người luôn qúy mến Đông, nhất là mẹ tôi lúc nào cũng lấy Đông ra làm gương răn dạy tôi.

Nhìn tôi thật lâu, Đông bảo con chim qúy ở lồng son chỉ để làm kiểng cho người xem, mọi người cứ tưởng là nó sung sướng, họ đâu biết rằng nó rất thèm muốn được bay nhẩy tự do trong bầu trời bao la.

Đó là lần cuối tôi gặp cô láng giềng. Năm sau tôi về phép thăm nhà thì cô láng giềng đã cùng chồng xuất ngoại đi xứ ngoài rồi. Những năm sau nầy đôi khi nhớ lại người bạn láng giềng năm xưa. Tôi luôn cầu trời, lấy đi cái lồng son và bộ lông bóng bẩy của con chim qúy, để cho nó được bay nhẩy tự do trong vùng trời bao la của vũ trụ.

M. Qúy 9A1 - NK 69-73