9 A 2 , Đội bóng của tôi
Tôi là thằng áp út trong gia đình có bảy anh chị em. Để tiện cho việc đi lại học hành, ba mẹ tôi đã vạch sẵn lộ trình, con trai học Lê Văn Duyệt rồi thi qua Võ Trường Toản, con gái từ Đinh Tiên Hoàng chuyển đến Trưng Vương . Năm tôi học lớp Nhì (lớp 4) trường Lê Văn Duyệt được nâng thêm cấp trung học, cả nhà tôi quyết định cho tôi tiếp tục học luôn tại đó cho gần nhà.
Thi đậu vào lớp 6 niên khóa 1970, tôi được xếp vào lớp 6B, một lớp học toàn con trai. Những tư tưởng lớn gặp nhau, lớp 6B nhanh chóng được tiếng học khá nhưng nghịch phá thuộc lọai có hạng. Không biết có phải do thành tích học giỏi, phá hay đó không mà năm lớp 7 nhà trường chuyển đến lớp tôi thêm tám nữ sinh khiến sỉ số tăng vọt lên đến hơn năm mươi học sinh.
Các bạn nữ, tôi vẫn ấn tượng một Tâm Hiếu với sức học khiến mấy gã đứng đầu lớp phải kiên dè hay những Bích Vân, Mỹ Hòa xinh đẹp, lém lỉnh hoặc những Minh Uyên, Ngọc Vân thùy mị ít lời. Điều bất ngờ là các bạn nhanh chóng hòa nhập vào tập thể lớp, nắm vững luật bất thành văn "im lặng là vàng, tố giác là tội ác." !!! Sẳn sàng tham gia các phong trào…1,2,3 " SỮA ", thông đồng với các trò nghịch phá của bọn con trai. Sự việc này khiến các thầy giám thị càng thêm đau đầu với lớp chúng tôi trong suốt lộ trình 7B, 8A2, và 9A2.
Tôi không biết các bạn có cảm nghĩ như thế nào, riêng bản thân,tôi vẫn thấy thật gần gũi thân thương với những biệt danh tây đen, bà bóng, đầu xe đụng, chín đờn cò…ngộ nghĩnh trong lớp tự đặt cho nhau dựa theo hình thức bên ngòai,tính tình hoặc chỉ do một sự kiện ngẫu nhiên nào đó. Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò, ngay các thầy cô cũng không thóat khỏi tầm ngắm. Nào là thầy Bủm Bủm Xà, thầy giám thị Sữa ( do thầy Quán có bề ngòai qúa bạch diện thư sinh ) thậm chí đến thầy hiệu trưởng cũng không được tha khi bị gán cho cái tên Astroboy, một nhân vật tiểu anh hùng trong lọat phim họat hình của Nhật thời bấy giờ. Kinh thưa các thầy cô, thành thật mà nói, không phải chúng em hỗn láo, kém giáo dục, chẳng qua chỉ là sự nghịch phá vô tư kém ý thức của tuổi thơ.
Từ đầu năm lớp 6, Mãnh Heo đã mang một trái banh vào lớp dỏng dạc tuyên bố " thằng nào đá banh với tao không? Kể từ ấy, hồ bơi cạn của nhà trường gần như là sân bóng độc quyền của lớp tôi vào giờ ra chơi. Chỉ tội nghiệp mấy chậu kiểng, cây ớt, hàng rào nhà Chú Tư ở gần đó tha hồ bị bắn phá bởi những bàn chân không bánh lái. Tôi nhớ có một lần, sau khi bị… pháo kích, chú Tư rất tức giận lấy dao phay ra… chặt trái banh!!! giận mất khôn, cây dao theo lực dội lại súyt chút nữa gây thương tích, chú Tư đành chịu thua và hồ bơi lại là sân bóng của lớp tôi.
Văn ôn, võ luyện, với sự sáng tạo khéo léo của anh chàng thủ môn cận thị học giỏi nhất nhì lớp dưới cái biệt danh Bách Điếu ( do Bách có cặp giò khẳng khiu như hai cái ống điếu, bọn chúng tôi đã tổ chức cả giải vô địch túc cầu thế giới bằng,..nút phén. Suốt cả năm trời, các bậc phụ huynh vừa lạ lẫm, thích thú pha lẫn kinh ngạc theo dõi cả bọn chúng tôi bò lê bò càng dưới đất búng búng hai mươi hai cái nút đươc cắt dán đẹp đẽ trên một mô hình sân banh thu nhỏ được vẽ dưới sàn nhà.
Sân Hoa Lư, từ những ngày đầu phải đá chầu rìa ngòai đường piste, sau cầu môn. Dần dần lớp tôi bước vào sân chính đá độ từ xô nước đá, chầu nước chanh với các đội từ trường Võ Trường Tỏan, Văn Hóa Quân đội, trại gia binh Trung Dũng… tùy theo khả năng tài chánh của ông Bầu Thành Què, một tay máu me thể thao, văn nghệ siêu hạng. Không thể nào quên họat cảnh Bách Điếu sau một pha ngã người cản phá bóng đã vội vàng bò dậy quờ quạng la hỏang " mắt kiếng tao đâu , mắt kiếng tao đâu?" khiến đối phương cũng ôm bụng cười bò quên cả tấn công tiếp, hay cảnh Phát Lém sau một cú lừa bóng qua người ngọan mục khiến đối phương mất phương hướng vội vàng nắm ngay chiếc quần đùi kéo tuột xuống, Phát vô tình trở thành người mẫu quảng cáo hàng cho hãng nội y Champion trong sự trêu chọc của bạn bè.
Năm lớp 9, lớp tôi quyết định tham dự giải vô địch túc cầu do nhà trường tổ chức, Thành Què triệu tập ban tham mưu tuyển chọn thành phần tham dự giải, cuối cùng chúng tôi thống nhất đăng ký danh sách với hai thủ môn là Bách Điếu và Hiệu Robert Chỉa. Có lẽ trên thế giới chẳng có đội bóng nào như đội bóng của lớp tôi, cả hai ông trấn thủ khung thành đều đeo cặp đích chai dầy cộp, một ông giò cẳng khẳng khiu như trên đã giới thiệu, ông còn lại thì " xi cà que " chân lớn, chân nhỏ.
Tuyến phòng thủ cũng tạm yên tâm dưới sự chỉ huy của Bình Già, tên điềm đạm chính chắn nhất lớp có biệt tài làm tóan nhanh và chính xác không hề thua kém máy IBM . Đá cặp với Bình là Nguyễn Lâm Viên (Viên có một cái tên hiệu dữ dằn nên không tiện viết ra ở đây) với nụ cười cởi mở luôn nở trên môi, trắng trẻo, đẹp trai với mái tóc hơi hoe vàng nghệ sĩ.
Trấn thủ bên cánh trái có Hải Một Que, đơn giản là Hải chỉ đá được có một que trái, tuy có một que nhưng que trái của nó cứng như sắt, đá rất đau khiến ai va chạm cũng đều ngán ngẩm. Bên còn lại do Phát Cận và Quân Tế Điên thay phiên đảm nhiệm. Cận thị, hơi bị hô khiến Phát trông hơi ngố ngố nhưng khi đá bóng cu cậu chơi rất quyết liệt bất cần thân thể. Còn Quân mang cái hỗn danh Tế Điên do đã dám liếm mấy giọt xì dầu vươn đổ trên bàn hủ tiếu khi bị bạn bè thách thức, ngòai tật sợ ma, Quân chơi cái gì cũng… điên như hổn danh của hắn.
Hàng tiền vệ, cột xương sống của đội hình được giao cho Phát Lém, kẻ thường hay vổ ngực xưng tên là "Bồn Lừa", một nhân vật đá banh hay "tuyệt cú mèo" của nhà văn Duyên Anh. Không hổ với danh xưng, chỉ có điều bất tiện là Phát hơi thiếu thước tấc !!! Hình ảnh trái ngược lại, Thái D… cao lêu khêu, mái tóc quăn dợn sóng một cách tự nhiên cùng nụ cười bẻn lẽn của hắn rất khiến mọi người nhầm lẫn đây là một gã thư sinh rụt rè hay xấu hổ, thực chất Thái là một tên nghịch phá ngầm có cỡ. Sau cùng ở tuyến này là Trực Bùi Kiệm. Trực đã từng muốn khóc thét lên trong lớp khi phải mang cái biệt danh này chỉ vì lỡ trùng họ với "con người Bùi Kiệm máu dê " trong tác phầm Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du. Tuy bị gán cho cái biệt danh đầy tai tiếng nhưng thực tế trong sinh họat, học tập lẫn vui chơi, Trực lúc nào cũng cần mẫn như một lão nông.
Tiền đạo, chiến tuyến hài lòng nhất của cả lớp dưới sự dẫn dắt của Mãnh Heo, linh hồn của cả đội mang băng thủ quân. Trợ thủ đắc lực của Mãnh là hữu biên Thịnh Salem, học khá, thể thao giỏi, văn nghệ xuất sắc, Thịnh đã cùng Hà Sữa tạo thành một cặp làm rạng danh văn nghệ lớp tôi. Ôi ! Salem một kẻ tài hoa bạc mệnh. Bên cánh trái, Khánh Bò Lạc là một mũi nhọn vô cùng khó chịu với bất kỳ hàng phòng thủ nào, Bò Lạc lừa banh lắc léo như đang múa Ba Lê, do ham mê dắt bóng nên thông thường chỉ chừng hơn một hiệp là Khánh đã thở bằng…hai lỗ tai.
Bổ sung hòan hảo cho Khánh không ai khác hơn Kỳ Xuân Lạc, tuy hơi nhỏ con, lưng lại dài sọc nhưng Lạc nhanh như sóc, lúc nào cũng sẵn sàng làm chao đảo bất kỳ hàng phòng ngự nào. Cuối cùng là tôi, một thằng chuyên nói chuyện cà rỡn, hay gây ra chuyện tranh cãi trong cả đám.
Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn còn thấy tự hào, tòan trường chỉ có lớp chúng tôi thành lập được đội bóng của riêng mình, thế mà bọn tôi lần lượt vượt qua từng rào cản để bước vào tận trận chung kết với đội liên quân lớp 10. Ngày thi đấu trận chung kết, lớp tôi từ Phú Đản đốt đèn đi đâu đó… đến Hà Sữa tạm quên cây đàn, từ Khoa Lùn bẻm mép đến Quảng Hàn Mặc Tử thầm lặng, những tay không biết đến banh bóng là gì cũng lũ lượt kéo nhau tới sân Hoa Lư ủng hộ gà nhà.
Cực nhất vẫn là ông bầu Thành Què, hết lăng xăng chạy xuống sân động viên tinh thần chiến sĩ, lại tất bật chạy lên khán đài đốc thúc các bạn nữ chốn hậu phương chuẩn bị khăn lau, nước uống. Tấn Mập cũng bận rộn không kém, đầm đìa mồ hôi, Tấn vác máy ảnh chạy hết đầu này tới đầu kia bấm lia lịa trông chẳng khác gì một phóng viên thể thao thứ thiệt.
Được sự ủng hộ nhiệt tình, chúng tôi thi đấu sòng phẳng với một thế trận ngang ngữa trong hiệp đầu. Sang hiệp hai, do thể lực không đảm bảo, chúng tôi đành chấp nhận thất bại với tỉ sồ khá đậm đà 1 – 4. Thua đau, thua đậm nhất ngày hôm ấy có lẽ là Hải Một Que, do ham ăn bó bía ngòai hồ Con Rùa, đến sân trễ, cu cậu quýnh quáng quăng chiếc xe đạp cà tàng ngòai bãi quên cả gởi , mất cả chì lẫn chài chỉ biết thở dài “buồn ơi, chào mi”.
Ngậm ngùi nhìn đội liên quân lớp trên nhận cúp vô địch, chúng tôi đã tự hứa với nhau sang năm nhất định sẽ thanh tóan sòng phẳng món nợ ngày hôm nay. Do thời cuộc, món nợ ngày hôm đó chúng tôi đã không bao giờ lấy lại được!!! Gấn 35 năm đã trôi qua, theo thời gian, dòng đời, lớp chúng tôi tứ tán khắp bốn phương trời, kẻ thất tin người thất lộc, tôi vẫn tin rằng tất cả những bạn bè còn lại khi nhắc đến lớp 9A2 trường Tự Đức niên khóa 70 -74 đều không thể nào quên được những kỷ niệm đầy ắp thân thương ngọt ngào thưở cắp sách đến trường. Ôi! 9A2 đôi bóng của tôi.
Lê Thái Quang 9A2 70-74 tháng 4 năm 2008 .