Hồi Ký Tháng Sáu

Sau năm 1975, bố tôi ngừng kinh doanh và dành phần lớn thời gian của ông để nghiên cứu Phật Pháp, Kinh Dịch, và Tử Vi. Những năm tháng đó, tôi không tin vào tử vi, nên hay đưa ra những câu hỏi phản đối lời giải thích của Bố về tử vi lý số.  

Mọi người vẫn hay nói : “ Mẹ thì thương con trai, còn Bố thì thương con gái”. Tôi không biết câu nói này có đúng với tất cả mọi gia đình khác hay không, nhưng rất đúng với gia đình của tôi. Bố rất thương các cô con gái của Bố. Bố và chúng tôi rất thân thiết gần gũi như những người bạn thân. Ngày ấy, tôi rất là bướng bỉnh, ngoan cố, và hiếu thắng. Mỗi khi tranh luận với Bố về bất cứ đề tài nào, tôi cũng tìm đủ mọi lý lẽ để dành phần thắng về mình. Những lần như vậy Bố luôn cười vui vẻ và nói : “ Bố chịu thua con rồi. Nhưng không sao. Rồi con sẽ “ngộ””.

Khu phố Đa Kao, nơi gia đình tôi sinh sống, là một nơi có rất nhiều tiệm ăn uống nổi tiếng ngon… Hải Ký mì gia, Mỹ Vị mì gia, bánh cuốn Tây Hồ, cháo lòng Bà Năm Lý, thạch chè Hiển Khánh, bánh mì Ba Lẹ, vv… Phần lớn những buổi chiều, Bố đều đưa tôi và người chị kế ra ngòai ăn tối. Đó là thời gian hạnh phúc nhất ở cạnh Bố mà khi ấy tôi đã không nhận biết được. 

Mười tám năm sau, Bố Mẹ, tôi, và người chị kế sang định cư ở Hoa Kỳ, tiểu bang Virginia. Tôi lập gia đình một năm sau đó và theo chồng sinh sống ở một tiểu bang khác. Thế là những giây phút chuyện trò, tranh luận với Bố không còn nữa, chỉ là những cú điện thoại thật vội vã: “ Bố hả con …Vân đây. Bố khỏe không?.. Con bận quá, nói chuyện với Bố sau nhé”, hay chỉ là những cú điện thọai để than thở: “ Bố ơi, con mệt quá! Con gái của con uống bình sữa nào thì  ọc hết bình sữa đó! Mệt chết luôn!!!” 

Cuối năm 2001, công việc của chồng tôi dời về tiểu bang Maryland. Mặc dù không gần thành phố Arlington tiểu bang Virginia, nhưng tôi vẫn có cơ hội gặp gỡ Bố Mẹ thường xuyên hơn những năm trước. Tôi đến ở nhà Bố Mẹ luôn một tháng. Đây là thời gian cuối cùng mà tôi có dịp được ăn chung những bữa cơm với Bố, chuyện trò, tranh luận, bàn cãi như ngày xa xưa còn ở Việt Nam. Trong phòng đọc sách của Bố lúc này, ngòai những cuốn sách về Phật học, Kinh Dịch, Tử Vi, lại có thêm rất nhiều sách về nhân sinh quan của cuộc sống, như là Đường Vào Hiện Sinh, Khổng Minh Luận Học, Lão Tử, Trang Tử, Zen,vv…Tôi lại có dịp để tranh cãi và vẫn có những câu nói đối nghịch lại lời của Bố: “Từ Bi thì con thấy hợp lý, nhưng còn Hỉ Xả thì không đúng. Bố nói là nếu có người nào tát vào má một cái, thì hãy vui vẽ đưa má còn lại cho họ tát thêm mà không hề giận họ. Thật sự thì điều này quá vô lý. Con không tát trả lại họ là may lắm rồi, Bố còn bảo con cho họ tát thêm. Thưa Bố, con làm không được”. Bố nhìn tôi với nụ cười năm xưa và nói: “ Con vẫn chưa ngộ”. 

Mỗi ngày Bố ăn ít đi, tự giảm phần ăn của mình từ từ … từ từ…cho đến một ngày…Bố đuối sức…ngất xỉu…được đưa vào bệnh viện. Bác sĩ bảo sức khỏe của Bố yếu lắm, không còn đủ sức để kháng cự, trong phổi đã có nước. Một ngày trong bệnh viện… Bố mỉm cười từ gĩa Mẹ và chúng tôi vào một buổi sáng thật sớm của ngày hôm sau tháng 6 năm 2002. 

Tôi đến thăm Mẹ, vào phòng đọc sách của Bố năm xưa, tôi xin Mẹ cho tôi được cất giữ những cuốn sách của Bố. Trên bàn viết, tôi nhìn thấy một mảnh giấy nhỏ dán trên mặt bàn với hai dòng chữ không biết đã được viết tự khi nào.

Đa Kao yêu dấu của ta ơi,
Bao giờ ta mới được gặp lại mi.
Đỗ Vượng 

Tôi không biết mình đã hấp thụ những điều gì nơi Bố qua nhiều lần tranh luận giữa hai bố con. Thời gian cứ dần trôi…Cái nhìn của tôi về cuộc sống dường như có phần thay đổi.

Bố, có lẽ con hiểu được một chút về chữ “ngộ”. Con vẫn còn nhiều điều muốn bàn cãi với Bố lắm… Bố ơi, con rất nhớ tới Bố… Hình dáng gầy cao của người bố thân yêu hiện về trong ký ức khi tôi lái xe đến chùa, thắp nén nhang cho hương linh của Bố. Một ngày nắng ấm của tháng 6. Tháng 6 một lần nữa đã đến, ngày giỗ lần thứ 6 của Bố đang gần kề. 

Ngày tôi về
Sẽ là ngày anh về
Nơi tôi đến
Sẽ là nơi anh đến
Ngày về không biết
Hãy vui với ngày đang có
Nơi đến không hay
Hãy hạnh phúc nơi đang sống
Điều gì vĩnh cửu theo thời gian
Điều gì trường tồn theo năm tháng
Hãy tha thứ khi có thể tha thứ. 


Thùy Nhiên
Tháng 6, 2008