MùaThu Đong Đầy Kỷ Niệm

 Riêng tặng các bạn lớp 9A2 niên khóa 69-73.

 

Tiếng cười nói ồn ào với nhiều ngôn ngữ khác nhau làm cho phòng ăn của trường đại học NOVA trở nên náo nhiệt hơn khi tôi bước vào đây.

Mùa Thu, mùa đầu tiên tôi đến học tại trường này sau một năm định cư tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Đã gần 20 năm, tôi trở lại không khí của trường học kể từ khi tốt nghiệp trung học tại Việt Nam. Không khí của trường học là nơi mà tôi hằng mong muốn được sống lại những giây phút của tuổi học trò. Nhưng nơi đây tôi vẫn thấy cô đơn lạc lõng.

Chọn bàn ăn sát cạnh khung cửa sổ bằng kính lớn rộng dọc theo chiều dài của căn phòng. Nơi đây tôi có thể nhìn thấy hàng cây chạy dọc theo con đường dẫn đến bãi đậu xe và một hồ phun nước thật lớn. Cuối phòng ăn có một khán đài, ở giữa là một cây microphone đứng lặng lẽ. Nhìn vào đó, hình ảnh sân khấu hội trường của Trung Học Tự Đức chợt thức dậy trong ký ức tôi với những năm tháng hạnh phúc của một thời sinh họat văn nghệ học trò. Những khuôn mặt thân yêu của từng bạn trong ban văn nghệ hiện ra thật rõ. Từng ánh mắt, giọng nói, tiếng cười như tôi vừa mới gặp ngày hôm qua.

Kỷ niệm tràn về như một cuốn phim.

Đệ Thất (Lớp 6), năm đầu tiên của trung học, chúng tôi đã là những người tiên phong trong ban văn nghệ của lớp. Theo y phục của người Trung Hoa, chúng tôi xinh xắn trong nhừng chiếc áo “Tàu” màu xanh da trời bằng vải Satin mịn màng, tay cầm những lẵng hoa, chân đi hài, cùng nhau uyển chuyển theo điệu múa “Hái Hoa” phối hợp dòng nhạc Trung Hoa dịch sang lời Việt mà tôi không còn nhớ tên của bản nhạc.

Đệ Lục (Lớp 7), trang phục theo thời trang của năm đó, chúng tôi sống động trên sân khấu với điệu múa vui nhộn qua bài hát “Đêm Đô Thị” và lả lướt theo bản nhạc “Dòng Sông Xanh”.

Đệ Ngũ (Lớp 8), tôi và T. Hương - cô bạn trưởng ban văn nghệ của lớp, nhẹ nhàng dìu nhau trên sân khấu diễn lại câu chuyện tình lãng mạn “Romeo and Juliet”.

Sang năm Đệ Tứ(Lớp 9), chúng tôi 9 người trong ban văn nghệ của lớp một lần nữa trên sân khấu với trang phục của dân tộc thiểu số, trình diễn điệu múa “Mọi” qua bản nhạc “ Yellow River”.

Vào năm Đệ Tam (Lớp 10), T.Hương được ban giám hiệu đề cử giữ chức vụ trưởng khối văn nghệ tòan trường, trưởng ban văn nghệ của lớp giao lại cho tôi. Năm đó, tôi mời cô bạn cùng lớp, B.T.Trang, người chưa lần nào có mặt trong ban múa của chúng tôi, cùng với tôi diễn lại chuyện tình thơ mộng “Love Story”. Lý do tôi mời Trang vì cô có vóc dáng cao nên trong trang phục của hiệp sĩ Tây Phương, Trang rất “đẹp trai”. Hiệp sĩ Tây Phương đẹp trai dìu tôi trong áo dạ hội dài màu đỏ chấm đất, tóc được bím lại với sợi ruban cũng màu đỏ, lướt theo nhịp điệu của “Chuyện Tình”. Những bước khiêu vũ thịnh hành của thập niên 70 đã khơi lên những tràng pháo tay chừng như vô tận và chàng hiệp sĩ vẫn nhịp nhàng đưa người con gái bước đi từng bước của vũ điệu BA-LÊ trong tiếng dương cầm trầm bổng tấu khúc “Love Story” bất hủ. Những tiếng vỗ tay vẫn ngân vang trong khi Trang và tôi đang sung sướng vì đã hòan tất màn trình diễn của lớp tôi thành công mỹ mãn. Năm đó, tiết mục múa “Love Story” được giải thưởng văn nghệ tòan trường. Một lần nữa, lớp tôi lại đọat giải.

Sinh họat trong khối văn nghệ liên lớp toàn trường thì vì tôi sinh họat trong ban Vũ nên tôi chỉ nhớ cô em Bích Ngọc qua điệu vũ “Trống Cơm” và họat cảnh “Hòn Vọng Phu”. Tôi không sinh họat với ban Ca nên không nhớ rõ các bạn và sinh họat của ban này. Nhưng riêng lớp của tôi thì đơn ca có T. Hương, song ca Hương – Hợp, hợp ca thì có rất nhiều bạn tham gia. Bên tai tôi vẫn còn văng vẳng lời nhạc “Ly Rượu Mừng” mỗi khi Xuân về, “Hè Về” khi Hạ đến, và tiếng hơp ca tòan trường trong bài “Hòn Vọng Phu”….. Tất cả khắc sâu trong ký ức của tôi.

Năm Đệ Nhị (Lớp 11), một vài người bạn trong lớp tôi đổi sang học ở Trưng Vương, trong đó có B.T.Trang, người bạn gắn liền với kỷ niệm bị té khi tập dợt ”Love Story” cũng như những sinh họat văn nghệ khác của chúng tôi. Kể từ khi Trang chuyển trường tự dạo ấy, tôi không còn biết tin tức gì về Trang nữa. Mặc dù lo sợ cho mùa thi cử, vì không biết chắc chắn Bộ Giáo Dục có bãi bỏ kỳ thi Tú Tài 1 hay không, chúng tôi vẫn tích cực sinh hoạt văn nghệ như xưa. Tôi và 5 người bạn trong ban văn nghệ chia thành 3 cặp với trang phục dạ vũ, chúng tôi trình diễn vũ điệu của lễ hội Tây Phương với bản nhạc “Sóng Nước Biếc”.

Năm Đệ Nhất (Lớp 12), trường Tự Đức giải thể, chúng tôi được đưa sang học ở Võ Trường Toản. Ngày đầu tiên vào lớp 12, tôi chỉ nhìn thấy một vài gương mặt quen thuộc của Tự Đức lớp tôi, còn lại thì xa lạ lắm vì tụi tôi phải học chung với nam sinh của Võ Trường Toản. Sau kỳ thi Tú Tài 2, hầu như cơ hội gặp lại bạn cũ của Trung Học Tự Đức thật là hiếm hoi.

Ngoài văn nghệ ra, kỷ niệm thời trung học của tôi còn là những ngày tháng của Bích Báo. Vì chữ viết và sự trình bày bài vở của tôi tương đối xem “được mắt” so với các bạn khác, nên tôi được bầu làm trưởng ban bích báo của lớp.

Thật sự ra tôi không có khiếu vẽ, nhưng anh của tôi thì lại vẽ rất đẹp nên tôi phải sửa quần áo cho anh, chẳng hạn như lên lai gấu quần, khâu lại cái nút áo, hay ủi quần áo cho anh, để đổi lấy hình vẽ cây Mai vàng vào mùa bích báo Xuân hay là cây Phượng vào mùa bích báo Hè. Phần còn lại của tờ bích báo do tôi trình bày. Tùy theo bài vở nhiều hay ít, tôi sắp xếp trình bày tất cả vào đúng khuôn khổ cố định của tờ bích báo bằng giấy carton trắng dầy. Tôi và một vài người bạn tỉ mỉ viết lại các bài viết trên giấy pelure nhiều màu, rồi cắt và đóng lại thành những cuốn sách theo kích thước khác nhau do tôi ấn định. Sau đó tôi trình bày những cuốn sách tí hon này lên tờ bích báo xen kẻ với những bài được viết trực tiếp lên tờ bích báo, kèm theo những trang hòang phù hợp nôi dung của bài viết.

Vào mùa Xuân, cành Mai vàng vẽ trên tờ bích báo của lớp chúng tôi có đính tong teng những phong pháo màu đỏ bé xíu do tôi làm dùng giấy làm hoa giả đỏ cuộn lại thành những phong pháo này. Còn sớ táo quân thì được viết trên giấy pelure dài dán nối tiếp nhau cho hết bài sớ. Sau đó tôi cuốn bài sớ này lại bằng cây đũa tre. Kế đến tôi cột hai đầu đũa thành hai cái nơ bằng dây ruban màu hồng và đính vào tay của hình ông Táo đã được vẽ trên tờ bích báo. Kéo sợi dây nơ này ra, các bạn có thể đọc hết bài sớ Táo Quân. Tôi cũng viết bài nhưng không còn nhớ nôi dung bài viết và cũng không biết nguyên do gì lại lấy bút hiệu là Thùy Nhiên. Cái tên Lê Văn Duyệt, Phan Đình Phùng, Tự Đức, Thùy Nhiên là cả khung trời luyến nhớ của tôi.

Nhấp ngụm cà phê vào miệng, tôi trở về thực tại. Mỉm cười một mình hạnh phúc với kỷ niệm.

Nếu các thầy cô mà biết những hình vẽ trên bích báo không phải do chính tay tôi vẽ, thì có lẽ lớp chúng tôi đã không đọat giải bích báo vào những năm đó. Và những điệu múa, màn vũ của chúng tôi cũng chẳng xuất sắc đúng như lời khen tặng. Bởi vì cũng đã có rất nhiều sơ sót và không đồng điệu trong các màn biểu diễn của chúng tôi. Trang phục biểu diễn cũng được may vá luộm thuộm ẩu tả. Nhưng thật là dễ thương tuổi học trò – tuổi vụng về, ngây ngô như hàng vạn học trò khác. Và thật dễ thương của bạn bè tôi đã vỗ tay khen tặng chúng tôi như không còn gì để chê hết. Tiếng vỗ tay dễ thương đó đã theo tôi vào kỷ niệm.

Đã mấy chục năm qua, các bạn của tôi đang sống hạnh phúc vui khỏe với gia đình ở một nơi nào đó. Riêng tôi, đang ngồi đây, ở trường học của một xã hội tiên tiến văn minh, quá văn minh nhưng thiếu tình người. Các bạn có biết, tôi đang nhớ đến các bạn thật nhiều và những kỷ niệm đẹp tuổi học trò của chúng ta mà khó cho tôi có thể tìm được ở nơi này… Chuyện chúng mình … “Như Chuyện Thần Tiên” (1).

Tôi rời phòng ăn, tản bộ theo con đường dẫn đến bãi đậu xe. Ngang qua hồ phun nước,tôi dừng chân, nhìn ngọn nước phun cao rồi rơi xuống mặt hồ. Sự lưu chuyển vòng tròn của nước đem đến tôi cảm xúc: “ Các bạn, chúng ta sẽ gặp lại nhau một ngày rất gần, phải không?”. Như câu nói mà chúng ta vẫn thường nghe: “Quả đất tròn, sẽ có ngày gặp lại”.

Làn gió Thu thổi ngang, vô tình làm nhũng chiếc lá vàng rơi xuống mặt hồ, như thời gian đã vô tình với tôi hai mươi năm qua. Tôi đã đến đây, đứng nơi này trong niềm tin ngày Hạnh Ngộ (1) đang gần kề.

(1)Tạp Ghi Tháng 10.

Thùy Nhiên – Tháng 10/08.