Lời mở đầu ….
Valentine (Ngày Lễ Tình Yêu), ngày tình nhân nam nữ thường trao nhau những món qùa xinh xắn, những cành Hồng tươi thắm, những nụ hôn ngọt ngào.
Đầu đường, tình như cánh Hồng chớm nở ban mai. Cuối đường “Tình đã chết , cái Nghĩa vẫn còn” Cái triết lý thâm thúy phương Đông, cái triết lý mà
ít
nhiều gì cũng thấm sâu trong tâm hồn đại đa số chúng ta.
Hôm nay tôi viết lại câu chuyện nầy, không có những lãng mạng, những êm đềm, hay những nét thương yêu , hy vọng tuổi trẻ. Đây là câu chuyện mang nhiều nỗi đau thương, những sự thật phủ phàng, và phản ảnh cái nhìn của triết lý phương Đông, như người kể chuyện nói “… cuộc sống thật là vô thường …”
Người Láng Giềng
Bà Năm là hàng xóm kế nhà tôi, bà lớn hơn tôi vài ba tuổi, gương mặt vẫn còn phảng phất nét thanh tú thời son trẻ. Bà là mẫu người Á Đông chuẩn mực, đi làm, nấu ăn, dọn dep, lau chùi, chăm sóc chồng con, một tay bà lo tất cả. Hai ông bà lấy nhau lúc còn trẻ, con cái bây giờ đã trưởng thành, đi học xa, nhà chỉ còn hai vợ chồng già ở với nhau.
Ông Năm hơn bà độ chục tuổi, dáng người cao ráo, gọn gàng, rắn chắc, trên gương mặt vẫn còn đượm nét hào hùng của người đàn ông từng được rèn luyện trong quân đội. Nghe đâu ông cũng từng là chỉ huy trưởng của quân đội Việt Nam ngày xưa. Nói chung tính tình ông rất tốt với mọi người, không riêng gì đối với ngươì đồng hương, hàng xóm ai cần nhờ gì ông đều sốt sắng giúp đỡ. Ông thỉnh thoảng giúp chúng tôi đẩy thùng rác vào sân nhà, mỗi khi chồng tôi đi làm về trễ không kịp dọn dẹp. Gia đình ông bà sống rất yên lặng, không bao giờ có tiếng cãi lẩy, gây ồn ào trong khu phố. Tóm lại duới mắt mọi người, ông bà là một cặp vợ chồng gìa lý tưởng.
Tôi dọn về cạnh nhà bà không lâu, hàng xóm người Việt không có mấy người, tôi vẫn thường thăm hỏi để khi tắt lửa tối đèn giúp đỡ lẫn nhau. Hàng xóm lại là người đồng hương nên dễ có thân tình với nhau, chúng tôi đôi khi tâm sự những vui buồn với nhau.
Ông Năm một thời là thần tượng trong ánh mắt và tâm hồn bà. Ông là hình ảnh một người chồng cao thượng thẳng thắn, chung thủy, yêu thương vợ con, một người cha gương mẫu lo lắng cho gia đình. Ngày ấy đôi khi bà thường nhủ lòng, cho rằng mình may mắn hơn nhiều người, bà từng tự hào về mối tình duyên cao đẹp của hai ông bà. Bao nhiêu năm qua bà luôn tin tưởng ông là người đàn ông khác với những người đàn ông tầm thường .
Đàn ông nào cũng như nhau, từ những người vô danh tiểu tốt, cho đến những người tiếng tăm, địa vị, lãnh đạo quốc gia. Bên trong họ vẫn đè nén dục vọng yếu hèn, tham lam, chuộng mới quên cũ, chỉ chờ cơ hội bùng lên. “Đem vàng thử đàn bà, đem đàn bà thử đàn ông” Bản tánh háo sắc, đèo bồng vốn là cái tánh xấu của đại đa số đàn ông. Đôi khi vợ, hay người tình kề kề, kế bên nhưng lòng họ vẫn tơ tưởng tới người khác, trong khi miệng vẫn nói lời yêu đương …
Từ xưa đến nay biết bao nhiêu anh hùng không qua được ánh mắt mỹ nhân. Ông Năm chồng bà không ngoại lệ. Ông về Việt Nam thăm nhà và sa ngã lăng nhăng tình cảm với những người đàn bà khác, chẳng những vậy khi về lại bên nầy ông vẫn liên lạc với người bên kia.
Hơn ba mươi năm chung sống, bao tin tưởng, bao ân tình bà gởi gấm nơi ông, bây giờ đã tan biến theo dục vọng của người đa đoan. Nhiều khi bà không hiểu con tim ông có bao nhiêu ngăn, đầu ông có bao nhiêu ngã ngách để nghĩ ra trăm phương ngàn kế dối gạt bà. Bà cảm thấy chua chát mỗi khi bước qua phòng làm việc, đọc câu “tự thắng để chỉ huy” ông treo trên vách.
Đôi khi hồi tưởng đến những kỷ niệm khi hai người còn tình nhân bà cảm thấy mỉa mai và chua xót. Trong ánh mắt bà, cái tướng trượng phu, quân tử nơi ông chỉ là cái vỏ giả tạo bên ngoài mà thôi. Bên trong ông chỉ là người đàn ông yếu hèn, nhu nhược như bao người đàn ông khác.
Từ khi biết chồng mình thay
lòng
đổi dạ, bà cảm thấy chán chường mất hẳn niềm tin cũng như lòng kính trọng, bà đã dành cho ông bao nhiêu năm qua. Giờ đây bà có muốn khóc cũng chẳng còn giọt lệ để rơi. Trong tim bà, ông bây giờ như người đã chết, như kẻ qua đường, đến rồi lại đi.
Thương các con, sợ chúng phân tâm, xao lãng việc học, bà dấu kín chuyện của ông bà. Từ dạo đó trở đi hai ông bà như người xa lạ, cơm nước trong nhà bà vẫn lo
đủ, nhưng bà chỉ nói với ông những gì cần nói và không còn đi chung với nhau như lúc trước. Bà sống như người độc thân không bạn đồng hành.
Ông Năm đi đi, về về căn nhà đó như người khách tạm trú. Chỉ ở bên nầy vài ba tháng rồi lại vắng bóng , có lẽ ông về Việt Nam vui chơi với bạn bè ….
Hôm qua gặp bà, tôi có hỏi thăm ông. Bà cho biết ông đã mất cách đây 2 tháng vì căn bệnh ung thư, ông đã mắc phải hơn 5 năm về trước. Mọi việc hậu sự rất là đơn sơ. Không người thân, không bạn bè phúng điếu. Đó là ý nguyện của ông ,như để bù đắp những ưu phiền ông đã tạo ra cho bà ngày sinh tiền.
Sau đôi lời chia buồn, tôi nói với bà Năm “tôi rất phục cái tánh nhẫn nhịn, chịu đựng của bà, dù cho ông ấy đối xử không phải, bà vẫn là người cuối cùng bên ông lo toan hậu sự”. Bà Năm thật là thản nhiên nhìn tôi và nói rằng “tất cả chỉ là tạm bợ thôi cô à, không có gì là của riêng mình, không có gì tồn tại mãi ở thế gian nầy. Mình còn duyên còn nghiệp thì còn có nhau! Dẫu cho cái Tình đã hết cái Nghĩa vẫn còn ….”
Vô Thường