Tôi Còn Nợ Em
Ngày còn bé tôi rất vô tự lự, chẳng biết lo, chẳng cần suy nghĩ. Tan học mau vội làm bài tập như trả nợ
qũy
thần, sau đó đi tụ năm tụ bảy với mấy thằng bạn cùng lớp làm những chuyện ma chê, qũy hờn. Ngày ấy mẹ thường mắng “con trai lớn rồi mà hư qúa, không biết ngày nào con mới
trưởng
thành cho mẹ đỡ lo đây”.
Năm 1975 đất nước đổi thay, bản thân tôi không muốn
trưởng
thành cũng phải
trưởng
thành theo thời cuộc. Tôi bắt đầu suy tư, lo lắng nhiều về tương lai gia đình và tương lai của chính mình. Làm sao không lo, khi sống trong cái xã hội, người ta chỉ cần Hồng chớ không cần chuyên. Hồng thì chắc chắn là không có tên tôi rồi. Bố tôi là cựu sỹ quan chế độ cũ, người được gởi đi tu nghiệp quân sự ở Hoa Kỳ vào năm 1961, mẹ là thương gia tiểu tư sản. Lý lịch gia đình không được trong sáng, thêm vào những thành tích ngang ngược lúc vừa mới lớn. Tôi đương nhiên được trúng tuyển đầu bảng danh sách thanh
thiếu niên kém đạo đức cách mạng, cần được chú ý và bồi dưỡng.
Năm ấy, chiều chiều các anh phường đội, thường gởi lời mời thành phần có tên trên bảng vàng lên phường học tập và thảo luận. Sợ mẹ buồn và lo lắng cho nên mỗi chiều tôi vác cái mặt cả đẩn lên phường để được trau dồi đạo đức.
Hơn một năm học tập ở phường tôi thấm nhuần và tự hiểu mình phải làm gì cho phù hợp với xã hội mới, đời sống mới. Khổ nỗi các anh đoàn viên ở phường chẳng cảm thông, đối với các anh ấy, thằng tôi chỉ đáng được đi học tập ở Xuân Lộc hay Bù Đăng Bù Đốp. Biết mình mang thân phận phó thường dân nam bộ, thi tốt nghiệp trung học phổ thông xong liền đăng ký đi Thanh Niên Xung Phong. Nhà thì ở quận Bình Thạnh nhưng phải chạy qua quận Nhất, đăng ký với diện vô gia cư gia nhập Thanh Niên Xung Phong đi xây dựng đất nước?
Ba năm theo đoàn Thanh Niên Xung Phong xây làng Kinh Tế Mới miền đông nam bộ Bình Dương Bến Cát. Cấy lúa, trồng rau nơi rừng U Minh Cà Mâu
Rạch Giá. Người xưa có câu “ngựa non háo đá” khổ nỗi tôi không hiểu. Thấy cái gì chướng mắt thì hay lớn giọng nói thẳng, ba năm Thanh Niên Xung Phong chẳng làm lý lịch tôi bớt Đen. Đời tôi càng Đen hơn, khi chính trị viên đại đội đọc được hai câu thơ ghi trên thân cây Tràm nơi đầu giường tôi nằm.
“Đôi dép râu dẩm nát đời tuổi trẻ
Mũ tai bèo phủ kín cả tương lai”
Tuổi đời hơn 21 rồi, đâu còn thanh niên nữa. Từ An Biên
Rạch Giá
tôi xung phong về Sài Gòn gia nhập đòan dân vô gia cư, vô hộ khẩu, lang thang như một gã cái bang. Sau mấy tháng lang thang ở Sài Gòn tôi móc nối đuợc hai người bạn đồng tình nhưng không đồng chí, chúng tôi ba người quyết định cùng nhau
noi gương Bác,
tìm đường ra đi.
Tháng 6 năm 1979, chúng tôi chuẩn bị vượt biên giới đi vào xứ chùa Tháp tìm đường đi qua Thailand. Đây là cuộc hành trình của ba người đồng hành nhưng dị mộng.
Một người là cán bộ Giải Phóng Miền Nam phục viên, tôi thường gọi ông ta là bác Năm. Ông Năm đã từng lưu trú nhiều năm trên xứ chùa Tháp vào thời Giải Phóng Miền Nam. Ông nói tiếng Khmer rất sõi, ông là hướng dẫn viên cho chuyến đi. Ông Năm chấp nối với một phụ nữ có chồng là sĩ quan Ngụy mất tích vào năm 1975. Có thể vì vậy mà bị thất sũng. Ông Năm chẳng thiết tha vượt biên.
Ông chỉ cần đưa chúng tôi qua biên giới Thailand nhận một số vàng bồi dưỡng, mua thuốc lá Samit về Việt Nam bán kiếm lời giúp đỡ người bạn đời vừa chấp nối.
Người còn lại là cậu ấm con nhà khá giả, từng vượt biển nhiều lần, ngay cả đi bán chính thức cũng không xong. Gia đình đi coi bói, ông thầy phán cho một câu, hắn mạng Hỏa không hạp với đường sông nước cho nên vượt biển hoài không thành. Gia đình anh là người tài trợ phần lớn tài chánh cho chuyến đi.
Tôi và anh chàng nầy có họ hàng, tôi gọi anh là anh Tú. Tuy bà con nhưng hai đứa khác nhau một trời, một vực. Người ta là công tử, dáng vẻ văn nhã trông rất nghệ sĩ, còn tôi thì mặt mày bậm trợn chỉ thích hợp với chuyện động tay, động chân. Tôi một thằng liều mạng chẳng còn gì để mất, ra đi với nhiệm vụ làm bảo vệ viên cho cậu ấm, ngoài ra còn chịu trách nhiệm lo lương thực, đồng phục, giấy tờ hợp lệ cho chuyến đi thăm quê hương Pol Pot, nhất là phải kiếm được một số đồ chơi phòng khi hữu sự bảo vệ lấy thân.
Vào buổi sáng sớm cuối tháng 6, chúng tôi cùng nhau ra bến xe miền đông đón xe đò đi Tây Ninh. Hơn 30 năm rồi trong trí tôi không thể nào quên được buổi sáng ngày hôm ấy. “Ngày mà mẹ chẳng dám tiển con, sợ không ngăn được giòng lệ. Cha đưa con chỉ đứng xa xa lặng nhìn.” Từ bến xe đò Tây Ninh chúng tôi đón xe đi Sa Mát và nghỉ qua đêm trước ngôi quán bên đường biên giới. Đoàn chúng tôi ba người gồm có một cán bộ khung tổng đội, một hậu cần, và một bảo vệ, đi trở về đơn vị ở tỉnh Battambang trên miệt bắc xứ Khmer sau khi công tác tại Sài Gòn.
Tại Sa Mát chúng tôi may mắn qúa giang được đoàn xe quân vận quân khu 7 đi lên Khampong Cham. Sau khi vượt sông Mekong tại Khampong Cham, chúng tôi theo quốc lộ số 6 đi Khampong Thom (có người gọi Khampong Luong), qua Siem Reap sau đó đi lên Battambang. Thưòng thì chúng tôi cuốc bộ theo đường cái quốc lộ, có đôi khi theo đường tắt băng đồng lội suối, đôi lần may mắn qúa giang được xe các anh bộ đội vận chuyển thì đỡ mỏi gìo nhưng hao thuốc lá Samit. Gần ba tuần sau khi rời Việt Nam chúng tôi tới được thị trấn Battambang. Đây là một thị trấn vùng xôi đậu, lẩn lộn giửa bộ đội Việt Nam và bộ đội Khmer Rouge. Quận lỵ Palin nằm phía tây nam thị xã Battambang là nơi chúng tôi muốn tới tìm đường đi vào đất Thailand.
Ngày chúng tôi tới Battambang thì quân đội Pol Pot đang kiểm soát quận lỵ Palin nơi có mỏ
Hồng ngọc (Rubi). Đây là nguồn tài chánh quan trọng cho bộ đội Pol Pot. Họ quyết tâm cố thủ tại đây. Bộ đội Việt Nam nhiều lần tiến chiếm điều bị đánh bật trở ra.
Chiến trận đang tiếp diễn dữ dội, rất là nguy hiểm nếu vượt biên giới vào thời điểm đó. Sau khi thảo luận chúng tôi quyết định quay ngược lại thị trấn Siem Reap tạm trú chờ cơ hội đi vào Thailand.
Ông Năm từng lưu trú nhiều năm tại Siem Reap vào giửa thập niên 1960. Ông quen biết rất nhiều dân địa phương tại một làng đánh cá ven biển Hồ (Tonle Sap).
Bộ đội Việt Nam vừa giải phóng đánh đuổi quân Pol Pot. Chánh quyền địa phương còn rất lỏng lẽo chưa vào quy cũ. Bộ đội và cán bộ Việt Nam rất được trọng nể. Tuy vậy chúng tôi cũng cần có giấy tờ hợp lệ để cư trú lâu dài tại Siem Reap. Phần giấy tờ là nhiệm vụ do tôi phụ trách. Trước khi vượt biên tôi chi ra hai chỉ vàng cho một người bạn đã từng học trường Mỹ Thuật Gia Định về nghành điêu khắc, nhờ anh ta khắc cho một con dấu giả và nhái chử ký ngài thủ trưởng họ Võ trên hơn chục tờ công vụ bỏ trống. Cứ thế thằng tôi hiên ngang điền vào chổ trống trên tờ công vụ.
“Chúng tôi
cán bộ
đang điều nghiên thành lập đội sản xuất cải thiện đời sống, bồi dưỡng chất tươi cho đồng chí ở tuyến đầu. Xin được các đồng chí địa phương hướng dẩn và giúp đỡ.”
Cán bộ Việt Nam, lại có thêm cái mộc đỏ đỏ, cộng thêm chử ký ngài thủ trưởng ở mịt mù nơi đất Sài Gòn thì bố ai biết thật giả ra sao.
Nhờ giấy tờ hợp lệ chúng tôi tam trú tại ủy ban hành chánh xã. Ở mà không hoạt động rất dễ tạo sự nghi nghờ nơi chánh quyền địa phương. Ông Năm và tôi đi dạo trong xã dọ xét tình hình. Chúng tôi được biết có người muốn bán chiếc ghe Krom cũ ( giống xuồng tam bản Việt Nam nhưng lớn hơn) với giá hai chỉ vàng. Ngày ấy dân Khmer chưa có xài tiền, mua bán dựa trên vàng và gạo. Mỗi lần đi chợ phải vác theo một bao gạo hay vàng, mua bán nhỏ tính bằng đơn vị lon sữa bò gạo, vàng dùng vào những buôn bán lớn.
Chúng tôi quyết định mua lại chiếc ghe cũ làm phương tiện đi lại trên biển Hồ cho có chuyện làm, tránh đi sự tò mò của người địa phương. Chiếc ghe cũ, phơi nắng trên bờ nhiều năm, tất cả đường be (khe hở giửa hai miếng váng đóng xuồng) bị hở cần phải xảm (dùng búa, hay chày, và con nêm gổ nhét vỏ cây vào giửa khoảng hở của be ghe, trước khi trét dầu chai để ngăn nước tràn vào lòng ghe), sau đó trét chai phủ lên đường be trước khi hạ thủy.
Tánh tôi rất hiếu động ít khi ngồi yên một chổ, những ngày ở Cà Mâu sau giờ lao động, tôi thường lân la nơi ấp Trần Thời (nói lái là Trời Thần) xã Biển Bạch nhậu rượu đế, đấu láo, học lóm những tiểu xảo của dân địa phương. Ở đây tôi học được cách xảm ghe, trét chay, vãi chày, kéo vó, đan lợp, đan lưới, vá lưới, bơi dầm, chống xuồng, chèo ghe, làm khô, cài mắm, cắm câu, cấy lúa, giả gạo và nhiều thứ khác nữa. Thú thật mà nói, cái thích nhất là cất rượu nếp than. Rượu tôi cất thì ngon hết xẩy nhưng có phản ứng phụ là đau đầu, chóng mặt sáng hôm sau. Giờ nghĩ lại, thật lòng mang ơn các vị niên trưởng, người dạy cho tôi những nghề vặt nầy, nó giúp đỡ tôi rất nhiều trong thời gian lưu lạc tại Tonle Sap chờ ngày đi Thailand.
Thân là cán bộ giả, ở trong ủy ban nhân dân xã không mấy gì thoải mái. Sau khi tu bổ chiếc ghe Krom, chúng tôi mua ít cây, ván cùng nhau dựng một ngôi nhà sàn nhỏ cuối làng thật xa ủy ban xã cho dễ thở. Người Khmer thích ở nhà sàn, người thì ở trên, ở dưới thường là nhà kho chứa dụng cụ hay chuồng nuôi gia súc.
Chúng tôi ngày ngày chèo ghe trên biển Hồ giả dạng đi điều nghiên để tránh sự dị nghị soi bói của người địa phương. Ông Năm từng sống trên biển Hồ nhiều năm, ông rất rành về con nước, cách thức giăng lưới, cấm câu ở biển Hồ. Riêng tôi thì có sức khõe, thêm được tí kinh nghiệm chèo, chống, đánh, bắt cá. Ông Năm đề nghị đổi một cây vàng lấy hai tay lưới 5 (lưới có lổ rộng 5 phân mỗi chiều) và giàng câu 300 lưỡi. Có lưới, có câu đêm đêm đi đánh bắt cá Tra, cá Sữu, ngày thì xẻ cá làm khô, sau đó đem ra chợ đổi lấy vàng hay gạo, làm kế lâu dài chờ cơ hội đi Thailand.
Đất cũ đãi người mới, chúng tôi kiếm ăn rất phát, trong hai tháng đã lấy lại vốn mà còn dư ra được vài cây vàng. Ông Năm dự trù nếu đêm đi dánh cá, ngày xẻ khô, độ chừng một năm chúng tôi có thể kiếm được mấy chục cây vàng.
Làm nghề đánh cá là bất đắc dĩ. Ước vọng trốn sang Thailand, được đi định cư xứ thứ ba tìm cho mình một tương lai giúp đỡ gia đình là chính. Tôi chẳng thiết tha gì về việc kiếm tiền chỉ muốn đánh cá cầm chừng đủ sống, dành thời giờ học tiếng Khmer và dọ đường đi Thailand. Tự đó tôi và ông Năm bất đồng ý kiến sanh ra bất hòa.
Là người chủ lực trong việc đánh bắt cá. Kế hoạch đánh bắt cá ông Năm không thể thực hiện, nếu tôi không đồng ý tham gia. Ông Năm đề nghị chia tay, tôi đồng ý cho ông và anh Tú tất cả số vàng chúng tôi mang theo và số vàng kiếm được trong thời gian đánh cá ở biển Hồ. Tôi sẽ giử lại chiếc ghe Krom, lưới, và giàng câu để kiếm cơm qua ngày, chờ cơ hội đi Thailand.
Sau khi chia tay, ông Năm và anh Tú mua hai chiếc xe đạp thồ sản xuất ở Thailand và đi về quận Siosphon nằm phía bắc tỉnh Siem Reap, với dự định mua thuốc lá Samit Thailand đem về Việt Nam bán kiếm lời.
Tôi bán bớt một tay lưới và giàng câu lấy hai chỉ vàng, với tay lưới còn lại đủ để kiếm cơm qua ngày. Căn nhà sàn tặng cho một bà cụ không con cháu phải ở đậu nhà hàng xóm. Tôi dọn tất cả đồ dùng cá nhân xuống ghe và ở luôn trên ghe.
Những ngày đầu cư ngụ nơi làng đánh cá biển Hồ. Có một lần đi ra suối giặt quần áo, tắm gội. Tình cờ thấy bên kia bờ suối có một hàng Cần Sa cập theo bờ rào một căn nhà đúc rất đẹp. Tôi mon men lại gần hái ít lá Cần Sa đem về nấu canh với khô cá Tra. Lui cui hái lá Cần Sa, bỗng nhiên có một người phụ nữ trung niên ôm chầm lấy tôi khóc nức nỡ và líu lo một tràng tiếng Khmer.
Tôi vừa sợ, vừa ngạc nhiên, nên la hoảng lên bằng tiếng Việt. Bà ta như chợt tỉnh cơn mê, và vội trả lời bằng tiếng Việt rất thạo. Bà xin lỗi đã nhận lầm tôi là con trai lớn bà bị bắt đi với chồng trong thời Pol Pot. Bà mời vào nhà chơi, đang rảnh rỗi, quần áo mới giặt còn phơi trên bờ dậu, phần cũng muốn dọ hỏi tình hình. Tôi theo bà vào nhà ngồi chơi nói chuyện.
Cha mẹ bà là người Việt di dân tới xứ Khmer vào cuối thập niên 1930, bà sanh đẻ ở Kampuchia, lúc nhỏ được đi học trường Việt cho nên nói và viết tiếng Việt rất thông thạo. Gia đình bà thuộc hàng trung lưu trước thời Pol Pot, chồng bà là giáo sư trung học ở thị xã Siem Reap từng du học ở France. Ngày Pol Pot cầm quyền, họ tập trung chồng bà, hai người con lớn, em trai, em gái, và em rễ đưa đi trai tập trung lao động. Riêng bà mới có con nhỏ nên còn được ở lại điạ phương lao động.
Bộ đội Việt Nam tấn công, quân Pol Pot thua trận rút vào rừng dựa vào biên giới Thailand. Em gái và em trai bà còn sống và tìm về làng cũ chị em đoàn tụ, chồng bà và hai người con lớn còn mất tích, mọi người đều đoán đã mất trong trại tập trung sau thời gian dài khổ cực thiếu thốn.
Em trai bà tên gọi là Francois, từng là sinh viên y khoa tại trường đại học Phnom Penh (Nam Vang). Anh chàng nầy lớn hơn tôi bốn, năm tuổi, rất thông thạo hai sinh ngữ English và Francais, bù lại tiếng Việt thì hơi cà lăm.
Cô em út lớn hơn tôi một tuổi, tên gọi ở nhà là Bopha (là đóa hoa trong tiếng Khmer). Cô nầy thì tiếng Việt khá hơn. Cô vừa lấy chồng được ba tháng thì bị tập trung vào trại lao động, vợ chồng mỗi người một ngã. Nghe nói chồng cô bị bắn chết khi trốn trại đi tỵ nạn Thailand.
Buổi chiều hôm đó bà mời ở lại dùng cơm chung với gia đình. Bà còn bảo gọi bà là chị Hai và căn dặn khi rảnh rỗi thì cứ ghé nhà chơi. Lãng tử tha phương gặp được đồng hương còn gì vui hơn, kế là muốn học nói ít tiếng Khmer để giao dịch với người địa phương, làm sao có thể bỏ qua cơ hội may mắn nầy.
Từ ngày ấy tôi thường ghé nhà chi Hai học tiếng Khmer với Francois và Bopha. Tiếng Khmer có tất cả 33 chữ cái và 21 cái dấu. Tuy nhiều vậy nhưng học không khó nhờ văn phạm y như tiếng Việt. Học thì không khó, nhưng nói rất khó đúng giọng, khi nói thường phải rung lưỡi.
Hơn 30 năm rồi tiếng Khmer đã trả lại cho xứ chùa Tháp. Bây giờ vốn liếng tiếng Khmer chỉ còn nhớ có câu "ohm srei salanh bong te (em có thương anh không)"
Gia đình chị Hai cứ tưởng tôi là cán bộ thứ thiệt, đang thi hành công tác ở địa phương, mặc dầu qúy mến tôi nhưng mọi người còn giữ kẻ chưa dám hết lòng với nhau.
Từ khi chia tay với ông Năm và anh Tú, dọn tất cả đồ đạt ở trên chiếc ghe Krom và có nhiều thời giờ rảnh rỗi la cà nhà chị Hai thường xuyên. Chị Hai bắt đầu nghi nghờ tôi không thật sự đang đi công tác ở biển Hồ. Tới lui nhiều lần gia đình chị, biết mọi người trong nhà rất thương coi tôi như ngưòi thân. Nhất là hai người đàn bà, một người thương vì tôi giống con chị, còn người kia vì đồng trang lứa nên dễ có cảm tình với nhau. Được người ta có cảm tình thì nửa mừng, nửa lo. Mừng là có nơi nương tựa nơi xứ lạ, lo là không biết tương lai mình đi về đâu.
Tôi thú thật với chị Hai, đang tìm đường đi Thailand nhưng cơ hội chưa đến, nên tạm trú nơi đây chờ thời cơ. Gia đình chị là một trong những gia đình khá gỉa thời trước, căn nhà chị đang ở rất rộng mọi người muốn tôi dọn lên ở chung. Người ta có lòng tốt nhưng làm sao dám nhận. Sợ có ngày quan chức địa phương phát hiện tôi là đồ dỡm chẳng phải thứ thiệt thì khổ mọi người.
Ông Năm ra đi để lại tất cả đồ chơi. Ở trên ghe một mình đêm về rất cô quạnh, tôi muốn mua một cái đài (radio) giải buồn. Một anh du kích địa phương rất thích cây AK bá xếp, anh chàng nầy đồng ý đổi một cái radio ấp chiến lược làn sóng AM (radio chánh quyền cũ cho không người dân vùng xôi đậu, tạo phương tiện cho dân chúng nghe đài Ngụy, đài VOA, đài BBC), một bóng đèn pin 3volt, một cục pin turyền tin bù lại tôi đưa cho anh ta cây AK bá xếp và 10 trái lựu đạn mini (loại lựu đạn nhỏ như trái chanh).
Pin truyền tin có nhiều tép, mỗi tép có cường độ 1,5 volt, chỉ cần 2 tép pin thắp sáng bóng đèn, đêm về có chút ánh sáng le lói, ngoài ra tôi cũng cần pin để nghe radio cho biết tin tức. Còn gì vui bằng đêm về được nghe đài VOA, BBC, sau đó lại được nghe lại những bản nhạc vàng của Mỹ Ngụy trước năm 1975.
Tử vi bị hảm ở sao Hồng Đào, cuộc đời thường bị họa vô đơn chí bởi những bóng hồng. Chị Bopha tuy là qủa phụ nhưng còn phơi phới xuân tình, gia đình có của ăn của để, cô nàng được rất nhiều chàng độc thân nghắm nghía, săn đón với hy vọng được theo nàng về dinh. Thật sự mà nói ít nhiều tôi cũng có cảm tình với người ta, tuy vậy biết mình thân phận lưu đày không dám nghĩ xa. Mỗi lần tiếp chuyện cô ấy, tôi một tiếng chị Bopha, hai tiếng chị Bopha rất là trịnh trọng với tâm niệm cố tạo khoảng cách giửa người và ta. Mấy anh chàng du kích xã thì chẳng hiểu dùm cho, họ thường nhìn tôi với đôi mắt ăn tươi nuốt sống, mỗi khi gặp tôi la cà nhà chị Hai họ hay nói bóng, nói gió.
Ông bà nói khi yêu người ta thường hay ích kỷ và sẳn sàng chết cho tình yêu. Tôi trẻ người non dạ không có kinh nghiệm nhiều về việc nầy, nên không dám tin. Tôi chỉ sợ người ta yêu chẳng chịu chết cho tình yêu, mà bắt thằng tôi chết cho tình yêu của họ thì mới khổ. Nhất là súng đạn vô tình và không có mắt mũi. Từ đó tôi bớt tới lui nhà chị Hai, nhiều đêm nằm nghĩ thấy cũng buồn buồn, Thôi thì tránh voi chẳng xấu mặt nào.
Bẳng hơn một tháng tôi chẳng ghé nhà thăm chị Hai . Một buổi sớm mai chèo thuyền vào chợ, đổi cá, cân khô, bà chị Bopha ngồi trên quán cà phê chờ tôi tự thủa nào. Cô nàng trách sao lâu qúa không ghé nhà, chị Hai nhớ tôi và có chuyện cần bàn. Sau khi cân cá, cân khô cho đầu nậu, gởi ghe cho bà chủ quán, hai đứa cùng nhau đi bộ theo đường làng về nhà.
Sau một hồi trách móc, mắng mỏ, và bồi dưỡng cho vài chén cháo đậu xanh với đường tán Thốt Nốt. Chị Hai cho biết bây giờ là tháng 12 vào mùa khô, bộ đội Việt Nam tấn công quân Khmer Rouge dữ dội và ép họ lui về biên giới Thailand. Ngoài ra phu nhân tổng thống Jimy Carter vừa tới thăm trại tỵ nạn ở biên giới Thailand và Khmer. Bà hứa hổ trợ hội Chử Thập Đỏ, giúp đỡ và cứu trợ người tỵ nạn. Hiện tại hội Chử Thập Đỏ mở nhiều trại tiếp đón người tỵ nạn dọc theo biên giới tỉnh Aranyaprathet Thailand. Đây là cơ hội tốt nhất để đi vào Thailand qua ngã Siosphon, chỉ cần băng qua 40 km đường mòn là đến được trại tiếp đón người tỵ nạn của hội Chử Thập Đỏ.
Chị Hai muốn Bopha và tôi gỉa làm vợ chồng cùng nhau đi Thailand, rất sững sờ khi nghe chị đề nghị. Tôi thì hơi xấu trai, mái tóc quăn quăn, nước da cột nhà cháy, nếu bỏ quần vận Sarong, mặc chiếc áo cổ thêu hai túi, vai vắt khăn rằng thì coi không đến nổi tệ. Mọi người nhìn sơ ngang, dễ lầm tưởng là con cháu ông hoàng Shihanouk. Chúng tôi hai người đi với nhau trông cũng xứng đôi lắm. Có lẽ vậy mà mấy du kích xã cứ trù ếm tôi hoài. Tôi thắc mắc, gia đình chị có tiền, có học. Tại sao chị, cháu Vanna (con gái chi Hai), và anh Francois, không cùng đi với Bopha.
Chị Hai muốn nấn ná nơi nầy với niềm hy vọng, chồng chị và hai người con còn lưu lạc phương nào và đang tìm đường về quê cũ, dù hy vọng nhỏ nhoi. Chị sợ các con chị tìm về quê cũ, không gặp người thân thì lấy ai giúp đỡ. Anh Francois là con trai duy nhất trong gia đình, ngày bị tập trung đưa đi lao động, chị Hai bỏ ra rất nhiều vàng lo cho Francois được ở trại tập trung lao động ở gần nhà. Nhờ vậy mà hai chị em nương tựa và giúp đỡ nhau trong những ngày u tối, đọa đầy của nhà cầm quyền Pol Pot. Bây giờ anh quyết không ra đi nếu không có chị Hai và cháu Vanna cùng đi.
Đề nghị của chị thật là khó nghĩ, tôi đâu phải Liễu Hạ Huê. Hai người trai đơn gái chiếc chung đụng với nhau xứ lạ quê người, lỡ lộng giả thành chân thì sao. Tôi còn trách nhiệm đối với gia đình em út, bây giờ đèo bồng, sau nầy cơm không lành canh không ngọt thì khổ. Chừng đó làm sao nhìn mặt chị Hai và Francois, những người thương yêu tôi như là ruột thịt. Phần nữa là Việt Nam, bộ đội Pol Pot bắt được mười phần hết mười là không còn chổ đội nón, người nào đi chung chắc là bị vạ lây.
Tôi xin chị cho tôi thời gian suy nghĩ. Bộ đội Việt Nam và Pol Pot đánh nhau dữ dội, hai bên thương tổn rất nhiều. Thường thì họ không thích cầm giử tù binh, nếu bị họ bắt được thì ngày đó năm sau sẽ là đám giổ của tôi. Bopha đi chung chắc chắn mang tội phản bội, tôi được nghe kể chánh quyền Pol Pot có nhiều hình phạt rất dã man và thương tâm đối với phụ nữ. Người ta tốt với mình, mà mình lại đem họa cho người ta coi sao được. Thân tôi làm tôi chịu, gây họa cho người thì tôi không đành.
Hơn một tháng sống cô độc trên ghe, tôi nhớ mọi người và thèm cái không khí gia đình. Nhất là những tiếng cười nói ròn rã của bé Vanna mỗi khi tôi phát âm tiếng Khmer trật giọng. Ngày hôm ấy ở lại nhà chị Hai chơi và dùng cơm. Chị Hai và Bopha đi ra chợ mua ít thịt bò, rượu trắng về làm cơm. Francois ở nhà dạy tôi cách vận Sarong, quấn khăn rằng. Đàn bà và đàn ông vận Sarong phải trái khác nhau, nếu bận trật người ta sẽ phát hiện mình không phải người Khmer. Cái khó nhất là làm sao quấn Sarong chạy bộ mà cái Sarong không tuột. Ngoài ra còn phải biết ăn cơm với mắm Bò Hóc, món ăn thuần túy của người dân quê Khmer thường mang theo khi đi đường, khi ăn thì mắm và cơm được trải trên lá Sen và ăn bốc bằng tay . Cả ngày hôm ấy anh bắt tôi làm đi làm lại nhiều lần cho thật thuần thục, tôi có cảm tưởng sáng mai nầy mình phải lên đường đi xứ Thailand.
Mọi người trong gia đình biết tôi còn nhiều phân vân trong việc ra đi cùng Bopha . Trong bửa cơm chiều không một ai nhắc nhở về việc ra đi, đây là ngày hạnh phúc nhất trong thời gian tôi ở tại xứ chùa Tháp. Chiều hôm ấy Bopha tiển tôi về chiếc long thuyền nơi bến cá. Trên đường đi cô nàng tâm sự.
Trước ngày Pol Pot cầm quyền, đất nước Kampuchia yên bình, hạnh phúc, người dân không có nhiều lo nghĩ, đời sống thật là hạnh phúc. Chánh sách diệt chủng đã giết đi phần lớn những người trí thức, đất nước Kampuchia điêu tàn, người không còn sức sống. Sống mà không biết ngày mai thì như người chết biết thở mà thôi. Bopha không chút hối hận về cái giá phải trả khi chung đường lỡ bị Pol Pot bắt. Cô muốn tôi gặp mặt và cho cô biết quyết định trước khi tôi lên đường ra đi.
Đầu óc tôi quay cuồng đầy những phân vân. Thật tình không biết quyết định như thế nào là phải. Đây là việc trọng đại quan hệ cả đời hai người, tôi cần vài ngày suy nghĩ. Bao nhiêu năm qua rồi vẫn không quên được ánh mắt Bopha nhìn tôi trước khi trở về nhà. Tuy không nói thành lời, nhưng tôi có thể đoán những lời nhắn nhũ, tin tưởng trong ánh mắt ấỵ
Đêm đó chèo xuồng ra biển đi lưới mà tâm trí để nơi đâu, chẳng màng bỏ lưới. Hai ba hôm sau, không thể chợp mắt khi đêm về. Biết làm sao đây, bỏ thì thương vương thì tội. Người ta thường nói lòng buồn thì cảnh có vui bao giờ, trời biển Hồ mấy hôm rồi không trăng, không sao, mầy mù ảm đạm, buồn ơi là buồn. Chòng chành con thuyền trên sóng nước, gió bấc vi vu như ngàn lời thở than. Ngồi đây một mình nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ anh, nhớ em, nhớ người cũ năm xưa. Ôi! nhớ ơi là nhớ.
Lại một lần nữa phải chia tay với những người thân thương không lời từ giã. Sáng mai nầy rời khỏi nơi đây, đem sinh mạng mình thử vận rủi may .
Ngày con đi mẹ chẳng tiển đưa
Sợ giọt lệ chùn bước chân con
Lời từ giã cha nói bằng mắt
Con cứ đi đừng quay trở lại
Án lưu đày không tội vẫn mang
Đường xứ Miên (Khmer) lắm nỗi gian nan
Ngăn gió lạnh chiếc aó mẹ đan
Vững bước chân nhớ lời cha dậy
Trời biển Hồ mầy mù ảm đạm
Con xuồng nhỏ vượt đầu ngọn sóng
Giả ngư phủ làm kế sinh nhai
Chờ cơ hội đi vào đất Thái
Sáng mai nầy bỏ nước lên bờ
Vượt đường rừng đi tìm tự do
Nhớ lời mẹ lòng thầm khấn nguyện
Lậy Phật Trời độ kẻ độc hành.
(bài thơ viết vào tháng 12 năm 1979 tại biển Hồ trước ngày đi Thailand)
Cả đêm không làm sao chợp mắt, lúc tỉnh, lúc mê, lòng nhiều phiền muộn, phân vân. Đời tôi sợ nhất là những lần đưa tiển. Trời chạng vạng sáng, thay đồ, thu dọn áo quần, lương khô, coi lại súng đạn chuẩn bị cho cuộc hành trình đi về đất Thai. Chèo thuyền vào chợ cá, gặp bà chủ quán cà phê báo cho bà hay tôi phải đi về đơn vị ở Battambang tường trình công tác những tháng vừa qua và không biết ngày nào trở lại. Tôi nhờ bà giao lại chiếc ghe Krom, tay lưới và những vật dụng linh tinh còn lại trên ghe cho anh Francois.
Tôi không quên gởi bà chủ quán lá thư từ giã gia đình người chị thân thương. Tôi xin lỗi, mình không đủ can đảm mặt đối mặt với Bopha và chị để nói lời giã từ. Tôi cám ơn và trân qúy những ân tình gia đình đã dành cho tôi. Ân tình đó sống để dạ, chết mang theo. Nếu trời thương còn sống, có một ngày tôi sẽ về chốn cũ thăm chị và gia đình.
Ba mươi năm hơn rồi, chưa một lần về quê hương hay ghé thăm xứ chùa Tháp. Lời hứa năm xưa trên vẫn còn
vang vọng, mối nợ ân tình nầy biết ngày nào mới trả được đây. Chị Hai ơi tha lỗi cho em. Bopha ơi tôi còn nợ em ….
MQ 9A1_69-73 Tháng 12 năm 2009