Tôi Đi Học

Hồi còn nhỏ không biết tại vì nhà ở gần trường học hay là vì tính tình lanh chanh nên tôi đã được ba mẹ cho đi học lúc chưa đầy bốn tuổi. Thời bây giờ, con nít đi học từ ba bốn tuổi là chuyện thường, nhưng vài chục năm về trước ở Việt Nam đi học ở lứa tuổi đó coi như là quá sớm. Ngôi trường thật ra chỉ cách nhà tôi có một hai căn và thầy cô giáo lại là hàng xóm láng giềng rất thân thiết với ba mẹ nên ngôi trường đối với tôi rất là quen thuộc. Trường tư thục Lê Trí do hai vợ chồng thầy cô giáo sáng lập và giảng dạy nên đã thu hút được rất nhiều học trò, phần đông là từ những gia đình cư ngụ xung quanh khu vực của trường.

Ngày xưa ở Việt Nam, tên họ của những bậc trưởng thượng như cha mẹ, thầy cô, ông bà, cô dì, chú bác… đều rất được kính nể và giữ kín, chỉ biết xưng gọi theo thứ tự, do đó chẳng có đứa học trò nào biết tên của thầy cô mình. Tụi tôi chỉ biết gọi ông thầy là thầy Hai, và vì ông rất gầy ốm cao lêu khuê giống như hình số 1 nên ông có cái 1 biệt hiệu là Cây Gậy số 1. Cô giáo thì được gọi là cô Hai, và vì cô rất mập và tròn trịa, có lẽ mập gấp hai hay ba lần ông thầy Hai nên cô được gọi con số zero. Do đó khi thầy cô Hai đi chung thì chúng tôi thường nói lén với nhau rằng thầy và cô giống như con số 10.

Suốt năm học đầu tiên ở trường Lê Trí, tôi chỉ nhớ là ngòai việc được học viết và học đánh vần, vài ba bài học thuộc lòng như “con cá đi chợ cầu canh, cái chày rớt xuống bể đầu con cua” hay là “con mèo mày trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà…,” tôi còn được làm quen và chơi với một số bạn bè cùng lớp học và ở cùng xóm. Ở tuổi đó thì hình như chơi nhiều hơn là học, vậy mà cuối năm cũng được lãnh thưởng. Buổi sáng hôm đó tôi được đánh thức dậy bởi mấy đứa bạn học hàng xóm để cùng nhau đến trường lãnh thưởng. Quá vui mừng và thật bất ngờ nên tôi đã quên hẳn việc làm vệ sinh buổi sáng và thay bộ quần áo ngay ngắn để đến trường như mọi khi. Thế là với mặt mũi kèm nhèm, đầu tóc rối bù chưa chải, tôi đã ung dung bước lên chiếc bục trước lớp để nhận phần thưởng hạng nhất từ tay cô giáo số 0 trao tặng.

Cũng vì cái giải thưởng hạng nhất đó, mẹ tôi như thấy được “sự thông minh” tiềm tàng trong tôi nên lại tiếp tục gửi tôi đến trường học trước tuổi. Lần này thì không phải là ngôi trường tư thục ở gần nhà mà lại là ngôi trường rất xa nhà tôi ở. Ngày đầu tiên đến trường tôi nhớ là một buổi trưa nắng gắt, tôi xúng xính trong bộ đồ mới có chấm xanh, chấm đỏ, với chiếc nón rơm có quai và nơ màu hồng cùng với chiếc cặp táp mới mà mẹ tôi đã sắm từ những tuần lễ trước. Trên chiếc xích lô máy cùng với hai đứa em họ con của cô tôi, tôi cố hình dung ra ngôi trường mới của mình nhưng không thể nào tưởng tượng nỗi vì so với ngôi trường làng ở gần nhà, ngôi trường mới thật là vĩ đại trong ánh mắt của một cô bé năm tuổi. Như đã sắp xếp trước nên khi vừa đến trường thì tôi được hai đứa em họ dắt đến phòng học mới mà không phải làm thủ tục giấy tờ nào hết. Cô giáo mới cũng không buồn hỏi tên hay giới thiệu tôi với đám học trò xa lạ. Cô giáo mới cũng không thân thiện như cô Hai ở gần nhà. Đến giờ ra chơi, vì chưa làm quen được với một đứa bạn nào nên tôi đành ngồi lại trong lớp để chờ cho hết giờ. Nhưng theo thông lệ của trường, ông lao công đã đến và lùa hết mấy nhóc nhỏ ra sân chơi để đóng cửa phòng lại. Tuy vậy, tôi cũng không quên lôi theo cái cặp táp cùng chiếc nón mới khi bước ra lớp học. Đứng bơ vơ ngòai sân chơi, tôi ngắm nhìn những đứa lớn nhỏ chơi đùa, chạy nhảy trong sân trường với ánh mắt rất là thèm muốn. Từ xa thấp thóang nhỏ em họ đang chạy chơi cút bắt cới các bạn, tôi vội vàng chạy về hướng đó để hằng mong được gia nhập cuộc vui nhưng tiếng chuông vang lên báo hiệu giờ ra chơi đã hết. Bắt chước theo đám học trò tôi cũng chạy ùa về lại trước lớp của mình để sắp hàng trở vào lớp. Lớp học của tôi? Bây giờ là phòng nào tôi thật sự không nhận ra hay phân biệt được nữa vì tất cả các phòng học đều giống nhau như một. Trường có hai tầng lầu, mỗi tầng có mấy dãy lớp, riêng tầng trệt thì có ba dãy lớp cùng với khu nhà vệ sinh. Những dãy nhà của các nhân viên làm ở trường thì bao bọc sân trường vuông vắn. Điều tệ hại là tôi không hề biết phòng lớp số mấy và cô giáo tên gì nên đành ngơ ngác đứng nhìn. Đám học trò lúc bấy giờ như bầy chim bay về tổ, tất cả đều ngay ngắn sắp hàng theo lớp của mình và tuần tự đi trở về lớp học. Tôi lúng túng và ngơ ngác đứng nhìn từng đàn học sinh bước về lớp học mà không biết mình phải làm gì và đi về đâu. Những dãy lớp học thật giống nhau, những đứa học trò đồng phục áo trắng cũng đều y như một, tôi không thể nào nhớ mặt con nhỏ ngồi cạnh tôi trong hai tiếng trước. Lang thang tôi theo đuôi của hết lớp này đến lớp khác nhưng cuối cùng không biết phải vào lớp nào. Sau khi học sinh đã vào hết lớp học, tôi đi lên đi xuống hành lang của trường, đứng nhìn vào từng phòng học với hy vọng sẽ nhận ra đuợc cô giáo hay là sẽ được cô giáo nhận ra mình. Nhưng xấu hổ thay, đi lên đi xuống như vậy đến hết buổi học mà không một ai nhận ra tôi, cũng không ai buồn hỏi tại sao tôi lại lang thang trong giờ học với cặp và nón trên tay. Cũng không ai thắc mắc một con bé vừa vào học ngày đầu đã biến mất. Cũng vì cái phong tục không cho trẻ con biết tên của người lớn đó, tôi không biết cô giáo tên chi, ngay cả cô họ tôi đang dạy ở trường này tôi cũng không hề biết tên.

Đến giờ ra về, đám học trò đổ ra như ong vỡ tổ. Tôi lại phải theo đuôi của một lớp học để theo ra cổng trường. Tuy vậy, tôi không hề sợ, tôi không khóc, tôi vẫn điềm tĩnh đúng chờ ở cổng trường hy vọng sẽ gặp mấy đứa em họ. Tôi đứng đó cho đến khi đứa nhỏ cuối cùng ra khỏi cổng, ông lao công lại một lần nữa xua tôi ra khỏi trường để khóa cổng lại. Ngơ ngác đứng nhìn người qua lại, tôi không biết làm gì hơn là bước theo chân đám người trước mặt. Trước đó tôi đã phân vân không biết phải rẽ về hướng nào. Tôi cố vận dụng hết bộ óc “thông minh” của mình cùng với ký ức lờ mờ về con đường đi qua buổi trưa, cuối cùng tôi đã rẽ phải với hy vọng con đường đó sẽ dẫn tôi về đến nhà. Giống như cô bé quàng khăn đỏ lạc bước trong rừng, tôi lầm lũi đi và hy vọng sẽ nhận ra những ngôi nhà hay hàng quán thân thuộc cũa khu nhà tôi. Càng đi tôi càng bước vào những đường phố thật xa lạ, ánh nắng ban chiều cũng bắt đầu vàng vọt và được thay thế bằng những ngọn đèn đường cũng vàng vọt. Lúc đó tôi mới thật sự hoảng hốt vì nhận thức rằng tôi đã “đi lạc”. Tôi lo sợ đứng tần ngần trước một khu xóm xa lạ và quay qua hỏi một con nhỏ đang đứng chơi gần đó, một câu hỏi thật ngốc nghếch và dễ thương mà tôi vẫn còn nhớ mãi cho đến bây giờ, “ê nhỏ, mày có biết nhà tao ở đâu không vậy?” Con nhỏ như giật mình với câu hỏi đó của tôi, nó chạy ngay vào nhà và la toáng lên với mẹ nó rằng, “mẹ ơi con nhỏ này nó hỏi con có biết nhà nó ở đâu không?” Thế là bao nhiêu người chạy tới bu quanh tôi, mỗi người một câu hỏi và cuối cùng thì họ đưa tôi vào sở cảnh sát ở gần đó với hy vọng sẽ giúp tôi tìm được người nhà.

Cùng với câu trả lời “không biết” về tên cha mẹ và địa chỉ nhà ở của mình, là tôi đã phải ngồi ở sở cảnh sát suốt mấy tiếng đồng hồ trong khi ông cảnh sát già gọi điện thoại đến từng trạm cảnh sát gần đó để báo tin “một em nhỏ đi lạc”. Tôi cũng vẫn còn nhớ ông nói rằng “A lô, có một em nhỏ khoảng 5 tuổi đi lạc, em mặc bộ đồ trắng có chấm xanh chấm đỏ, đầu có nón rơm cà xách chiếc cặp táp màu nâu”. Ông ấy cũng thật tử tế, biết tôi đói bụng nên đã gọi cho một tô mì xe ở gần đó cho tôi ăn đỡ lòng. Vài tiếng đồng hồ sau, nhờ tin tức gửi đi khắp nơi mà anh tôi cùng với người bà con đã đến nơi để lãnh tôi về.

Vừa về đến nhà, tôi được chào đón rất là “nồng hậu” với những lời trách móc của mọi người “sao mà ngu quá vậy!” Vì “ngu” như vậy nên từ đó tôi được ở nhà cho đến khi đúng 6 tuổi mới được đến trường vào lớp một. Cũng từ đó, mẹ tôi cũng không còn thấy cái “thông minh, lanh lẹ” của tôi mà mọi người đã từng lầm tưởng, thay vào đó là cái ấn tượng “con này lanh chanh chẳng làm nên tích sự”.

Viết theo ký ức về những ngày đầu tiên đi học.

Kim Ngọc 9A2 NK_69-73